Trong khi Ban Quản lý vịnh Nha Trang đang tiến hành sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục của Khu du lịch sinh thái Hòn Mun thì cơn bão số 12 ập đến gây thiệt hại nặng nề. Hiện nay, đơn vị đang khẩn trương khắc phục hậu quả, tiếp tục sửa chữa nâng cấp khu du lịch, dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 trước Tết năm nay.
Trong khi Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang đang tiến hành sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục của Khu du lịch sinh thái Hòn Mun thì cơn bão số 12 ập đến gây thiệt hại nặng nề. Hiện nay, đơn vị đang khẩn trương khắc phục hậu quả, tiếp tục sửa chữa nâng cấp khu du lịch, dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 trước Tết năm nay.
Khu du lịch sinh thái Hòn Mun được đưa vào hoạt động từ năm 2003, nhiều cơ sở hạ tầng vốn đã bị xuống cấp nên khi gặp cơn bão số 12 vừa qua, gần như toàn bộ các công trình này bị phá hủy. Cầu tàu lên đảo bị sóng đánh sập, nhà trung tâm thông tin du khách bị tốc mái; hơn 20 chòi nghỉ và các quầy bán hàng lưu niệm bị gió cuốn sập hoàn toàn; các đường nội bộ và hàng chục phao bù cho tàu neo đậu bị hư hỏng. Đặc biệt, nhiều rạn san hô trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc Khu bảo tồn biển Hòn Mun ở độ sâu từ 3 đến 4m bị sóng đánh gãy khoảng 50%.
Trước những thiệt hại nặng nề do bão, BQL vịnh Nha Trang đã ra thông báo tạm dừng đón khách tham quan Khu du lịch sinh thái Hòn Mun từ ngày 6-11 nhằm đảm bảo an toàn. Đồng thời, từ ngày 7-11 đến nay, đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh nhằm đảm bảo môi trường cho khu du lịch. Bên cạnh đó, lực lượng tuần tra kiểm soát của BQL vịnh cũng được tăng cường nhằm bảo vệ Khu bảo tồn biển Hòn Mun, đặc biệt ở phân khu vùng lõi nhằm ngăn chặn các hành vi xâm hại.
Theo ông Đàm Hải Vân - Trưởng phòng Bảo tồn (BQL vịnh Nha Trang), việc khôi phục các rạn san hô bị hư hại do bão ở những khu vực trên được đơn vị đặc biệt quan tâm. Vì thế, sau khi tham khảo tư vấn của các nhà khoa học chuyên ngành, đơn vị đã và đang gấp rút tiến hành khôi phục lại những rạn san hô. “Chúng tôi lựa chọn những mẫu san hô bị gãy nhưng vẫn còn tốt để trồng lại ở khu vực phía bắc Hòn Mun với mục đích tạo thành vườn ươm để sau này lấy nguồn giống đó phân ra các khu vực khác. Tuy nhiên, do điều kiện tiến hành dưới nước khá khó khăn nên đến nay mới triển khai công tác được một phần nhỏ. Đồng thời, chúng tôi đang tiến hành khảo sát lại các rạn san hô, trước mắt là ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, tiếp đến là các rạn san hô khác trong vịnh Nha Trang để có đánh giá cụ thể”, ông Vân cho biết.
Về việc sửa chữa nâng cấp các hạng mục công trình bị thiệt hại, theo lãnh đạo BQL vịnh Nha Trang, hiện tại, đơn vị đã hoàn tất khâu khảo sát thiết kế, trình lên UBND TP. Nha Trang phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó riêng hạng mục cầu tàu đảo Hòn Mun với kinh phí dự kiến khoảng 2 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Bình Thái - Giám đốc BQL vịnh Nha Trang cho biết: “Chúng tôi lo ngại nhất là việc khôi phục lại các rạn san hô, bởi nó đòi hỏi nhiều về mặt khoa học, kỹ thuật, điều kiện thực hiện dưới nước khó khăn và tốc độ phát triển của san hô rất chậm nên ít nhất phải 5 năm nữa mới khôi phục lại được như mức trước khi thiệt hại. Còn về cầu tàu và các công trình của Khu du lịch sinh thái Hòn Mun, sau khi có quyết định phê duyệt của thành phố, chúng tôi sẽ triển khai thi công ngay và phấn đấu hoàn thành giai đoạn 1 đưa vào hoạt động trước Tết”.
THẾ ANH