12:06, 24/06/2017

Bảo vệ rạn san hô ở Hòn Mun: Trước tiên là ý thức của hướng dẫn viên

Những ngày gần đây, cộng đồng hướng dẫn viên (HDV) lặn biển ở Nha Trang đang "dậy sóng" bởi đoạn clip ghi lại cảnh một người đang cố gắng đục đẽo rạn san hô để bắt hải sản ở vùng biển Hòn Mun. Từ đây, vấn đề ý thức của những người làm nghề HDV lặn biển trong việc bảo vệ rạn san hô một lần nữa được đặt ra.

Những ngày gần đây, cộng đồng hướng dẫn viên (HDV) lặn biển ở Nha Trang đang “dậy sóng” bởi đoạn clip ghi lại cảnh một người đang cố gắng đục đẽo rạn san hô để bắt hải sản ở vùng biển Hòn Mun. Từ đây, vấn đề ý thức của những người làm nghề HDV lặn biển trong việc bảo vệ rạn san hô một lần nữa được đặt ra.


Theo anh Nguyễn Hà Minh Trị, người đã đăng clip trên lên trang facebook của mình, đoạn phim do một du khách nước ngoài quay lại. Khu vực quay được xác định nằm ở vị trí phía bắc đảo Hòn Mun, trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Nhân vật chính trong đoạn clip dù chưa xác định được danh tính cụ thể, nhưng dựa vào trang phục và thiết bị lặn, những người trong nghề phỏng đoán đây là một HDV lặn biển. “Bây giờ, có nhiều người làm công việc HDV lặn biển, nhưng thực tế chưa được học qua lớp đào tạo bài bản, vì thế chưa được trang bị đủ kiến thức bảo vệ môi trường. Thậm chí, nhiều người chưa được cấp chứng chỉ lặn biển cũng dẫn khách đi lặn”, anh Trị cho biết.

 

Hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang có hơn 60 người được cấp chứng chỉ lặn biển với trình độ khác nhau. Trong khi đó, lượng khách lặn biển ngắm san hô trong khu vực vịnh Nha Trang mỗi ngày lên đến cả nghìn người. Để có thể chạy đua với số lượng khách quá đông như trên, nhiều công ty lặn biển đã cố tình bỏ qua các yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện được tổ chức dịch vụ lặn biển cho du khách.


Ông Nguyễn Huy Hân - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Việt Asian Nha Trang cho biết: “Một người để có thể dẫn khách đi lặn biển phải trải qua quá trình đào tạo của các tổ chức lặn biển uy tín trên thế giới như: PADI, SSI, NDL. Ngoài ra, khi hành nghề, những người này còn chịu sự giám sát của những người cùng nghề khác. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, những tổ chức cấp chứng chỉ trên sẽ rút lại chứng chỉ và người đó không còn đủ điều kiện để làm nghề HDV lặn biển”. Theo ông Hân, mấy năm gần đây, do áp lực lượng khách quá lớn nên tình trạng các công ty lặn biển mượn người của nhau rất nhiều. Còn chuyện các công ty cho người chưa đủ điều kiện dẫn khách đi lặn là chuyện diễn ra hàng ngày.


Một người đủ điều kiện dẫn khách đi lặn biển, ngoài những kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn cho khách, vấn đề luôn được đề cao chính là ý thức bảo vệ môi trường biển, bảo vệ rạn san hô. Giám đốc một trung tâm lặn biển ở đường Nguyễn Thiện Thuật chia sẻ: “Môi trường sinh thái biển, vẻ đẹp của rạn san hô là nguồn tài nguyên vô giá và cũng là nguồn sống của những HDV lặn biển. Chính vì thế, việc giáo dục ý thức không được xâm hại rạn san hô, không làm hại đến môi trường biển là yêu cầu bắt buộc trong quá trình đào tạo HDV lặn biển”. Đối với HDV lặn biển, trong quá trình dẫn khách đi lặn phải tuyệt đối đảm bảo không để cho khách dẫm đạp, bẻ gãy rạn sạn hô, không được bắt các loài hải sản, không được xả rác xuống biển… Thế nhưng, xem ra những yêu cầu đó đang bị một số HDV lặn biển bỏ qua.

 

Hình ảnh một hướng dẫn viên lặn biển đang đục đẽo rạn san hô Hòn Mun. (Ảnh chụp lại từ clip)

Hình ảnh một hướng dẫn viên lặn biển đang đục đẽo rạn san hô Hòn Mun. (Ảnh chụp lại từ clip)

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Đàm Hải Vân - Trưởng phòng Bảo tồn Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết, những năm qua, đơn vị thường xuyên phối hợp với các câu lạc bộ lặn biển tổ chức thu gom rác thải dưới đáy biển Hòn Mun. Cùng với đó, mở các lớp tuyên truyền phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường biển cho các chủ tàu du lịch, HDV lặn biển. “Việc quản lý, bảo vệ rạn san hô ở đảo Hòn Mun trách nhiệm chính vẫn thuộc về Ban quản lý vịnh Nha Trang. Nhưng việc làm này chỉ thực sự hiệu quả khi có sự chung tay của cộng đồng những người làm du lịch, trong đó, có một phần trách nhiệm của chính những người làm nghề HDV lặn biển, bởi ý thức của họ có tác động trực tiếp đến hành vi của du khách”, ông Vân nói.


Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp với TP. Nha Trang và một số cơ quan chức năng để thực hiện việc chấn chỉnh hoạt động của những người hành nghề HDV lặn biển. Qua đây, nhằm hạn chế những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động lặn biển của các tổ chức, cá nhân làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch của địa phương.


N.T