11:03, 10/03/2017

Lo ngại nguồn nhân lực du lịch

Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nỗi lo thiếu hụt về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này.

Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nỗi lo thiếu hụt về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này.


Cung chưa đủ cầu


Năm 2016, du lịch Khánh Hòa đón hơn 4,5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có hơn 1,1 triệu khách quốc tế. Hoạt động du lịch đang thu hút khoảng 55.000 lao động, trong đó có 18.450 lao động trực tiếp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Hiện địa bàn tỉnh có 643 cơ sở lưu trú với 25.054 phòng, trong đó có 84 khách sạn từ 3 đến 5 sao với 13.290 phòng. Số cơ sở lưu trú này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

 

Nhân viên khách sạn Liberty Central Nha Trang chuẩn bị tiệc phục vụ khách
Nhân viên khách sạn Liberty Central Nha Trang chuẩn bị tiệc phục vụ khách


Bên cạnh đó, với số lượng 227 doanh nghiệp (DN) lữ hành cùng với dự báo lượng khách quốc tế tiếp tục tăng cao trong những năm tới cũng đòi hỏi một số lượng lớn hướng dẫn viên (HDV) du lịch. Trong khi đó, toàn tỉnh mới có 312 HDV được cấp thẻ hướng dẫn nội địa, 350 HDV được cấp thẻ hướng dẫn quốc tế. Để cung cấp nguồn nhân lực du lịch, hiện trên địa bàn tỉnh có 4 trường đại học có khoa du lịch và 7 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm có đào tạo nghề du lịch. Mỗi năm, các cơ sở này đào tạo các lĩnh vực liên quan đến nghề du lịch cho khoảng 4.000 sinh viên, học viên. Trong khi đó, mỗi năm nhu cầu lao động của ngành Du lịch tỉnh cần khoảng 10.600 lao động, trong đó có khoảng 3.600 lao động trực tiếp.


Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Khánh Hòa, chính vì cung chưa đủ cầu nên việc tuyển dụng nhân sự trong ngành du lịch rất khó khăn. Chẳng hạn như khu resort Diamond Bay, sau 6 tháng đi vào hoạt động mới tuyển đủ đội ngũ nhân sự. Đặc biệt, vì thiếu hụt nguồn lao động nên tình trạng “nhảy việc” ngày càng phổ biến, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực trong các công ty thiếu sự ổn định. Còn bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Giám đốc Công ty Sovico Khánh Hòa cho biết, công ty đã nhiều lần chủ động đề xuất phương án hợp tác với một số cơ sở đào tạo nghề du lịch để các sinh viên, học viên sau khi ra trường có thể bắt tay vào làm việc, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự phản hồi. Mặt khác, sinh viên ngành du lịch sau khi DN tiếp nhận vào thường phải đào tạo lại thì mới có thể làm việc được.


Chia sẻ về việc thiếu hụt đội ngũ HDV du lịch biết tiếng Trung, ông Phan Đình Thảo - đại diện Chi nhánh Saigontourist tại Nha Trang nói: “Để có thể tìm đủ số lượng HDV biết tiếng Trung không đơn giản. Chúng tôi đã tổ chức các đợt thi chọn với những chế độ đãi ngộ phù hợp, nhưng đến nay mới chỉ có 15 người đạt tiêu chuẩn”.


Cần sớm gỡ khó


Theo đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trong thời gian tới, quy mô hoạt động du lịch của tỉnh sẽ tăng nên đòi hỏi một lượng lớn nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Nếu từ bây giờ không tìm giải pháp tháo gỡ, nguy cơ khủng hoảng nguồn lao động du lịch sẽ hiện hữu; nếu không đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực sẽ dẫn tới việc sản phẩm du lịch của chúng ta bị mất thương hiệu.

 

Phát biểu tại hội nghị gặp mặt DN du lịch đầu năm 2017, đồng chí Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Vấn đề phát triển nguồn nhân lực du lịch là vấn đề chung của Nhà nước và DN. Hiện tại, lao động trong ngành du lịch đang thiếu và sẽ còn tiếp tục thiếu. Vì thiếu nên dễ nảy sinh những biểu hiện tiêu cực như thời gian qua. Để giải quyết được vấn đề này, phía cơ quan quản lý nhà nước rất cần sự hợp tác của các DN, từ việc xây dựng quy hoạch, chiến lược, đào tạo đến sử dụng lao động. Vì thế, mỗi DN nên có những việc làm thiết thực, cùng các cơ quan quản lý nhà nước  về du lịch tháo gỡ khó khăn này.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch cho biết, năm 2017, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ nhân sự quản lý, nhân viên phục vụ tại các cơ sở lưu trú, công ty lữ hành; nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch trong tỉnh; có kế hoạch gắn kết hợp lý việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, số lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch.


Về phía các DN, ông Nguyễn Ngọc Lương - Giám đốc kinh doanh Công ty Anex Việt Nam cho biết, công ty sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với tỉnh về vấn đề đào tạo tiếng Nga cho đội ngũ nhân sự du lịch trong tỉnh. Còn ông Trương Văn Thọ - Giám đốc Công ty Vietnamtourism Charter JSC Chi nhánh Nha Trang cho rằng, việc nâng cao khả năng tiếng Trung cho những người làm du lịch, nếu tỉnh có chủ trương thì các DN lữ hành chuyên đón khách Trung Quốc sẽ có sự tham gia, đóng góp thiết thực trong lĩnh vực này.


Theo lãnh đạo Trường Cao đẳng nghề Du lịch Nha Trang, để đẩy mạnh công tác đào tạo theo nhu cầu của DN thì các DN cần tạo điều kiện cho sinh viên vào thực tập hoặc làm việc bán thời gian. Điều này vừa giải quyết vấn đề thiếu nguồn nhân lực cho DN, vừa giúp sinh viên được tiếp xúc với thực tế công việc. Muốn vậy, giữa nhà trường và DN cần có hợp đồng đào tạo theo nguyên tắc đặt hàng, đào tạo theo nhu cầu. Trên thực tế, nhiều trường đã thực hiện vấn đề này, nhưng số lượng vẫn còn hạn chế và mức độ hợp tác cũng còn nhiều điều cần phải bàn.


Đồng chí Trần Sơn Hải cho biết, sắp tới, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức hội nghị quốc gia về nguồn nhân lực du lịch ở Khánh Hòa. Mong rằng, qua đó, chúng ta sẽ nắm được thông tin chung của cả nước để có hoạch định chiến lược cụ thể về vấn đề này cho địa phương.


N.T