06:01, 07/01/2017

Định hướng phát triển sản phẩm du lịch: Cần giải pháp đồng bộ

Với mục đích đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch biển đảo hàng đầu cả nước, trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, UBND tỉnh đã giao các cơ quan chuyên môn xây dựng "Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030".

Với mục đích đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch biển đảo hàng đầu cả nước, trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, UBND tỉnh đã giao các cơ quan chuyên môn xây dựng “Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”.


Theo ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, để ngành Du lịch có bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới, ngay từ bây giờ cần có kế hoạch chuẩn bị cụ thể. Trong đó, phải chú trọng đến việc xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp, chất lượng cao, nhất là các sản phẩm liên quan đến du lịch biển đảo. “Tuy có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nhưng việc khai thác các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế. Cơ sở hạ tầng sân bay, cảng biển vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có những trung tâm mua sắm tầm cỡ khu vực, quốc tế. Chất lượng các dịch vụ du lịch chưa cao, còn đơn điệu... Chính vì thế, cần có sự đầu tư mạnh mẽ để thúc đẩy ngành Du lịch phát triển bền vững”, ông Trần Sơn Hải cho biết.

 

Du khách vui chơi giải trí trên vịnh Nha Trang
Du khách vui chơi giải trí trên vịnh Nha Trang


Mục tiêu của ngành Du lịch, trong hơn 10 năm tới sẽ tập trung khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo; nâng cao chất lượng loại hình du lịch biển đảo trở thành sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phấn đấu trở thành một trung tâm du lịch biển đảo hàng đầu cả nước. Từ đó, thu hút thêm nhiều thị trường khách du lịch, các nhà đầu tư có tầm cỡ, thương hiệu đầu tư vào du lịch. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020, sẽ chú trọng đến việc nâng cấp các sản phẩm du lịch đã tạo được thương hiệu của du lịch Nha Trang - Khánh Hòa; gắn kết sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển kết hợp với tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, khai thác giá trị ẩm thực Nha Trang - Khánh Hòa thông qua việc đầu tư, nâng cấp khu chợ đêm, ẩm thực truyền thống, điểm vui chơi giải trí về đêm để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc; phát triển các sản phẩm sinh thái, khám phá đa dạng sinh học, các loại hình vui chơi giải trí trên vịnh Nha Trang; kêu gọi đầu tư phát triển thêm các khu vui chơi giải trí quy mô lớn, các sản phẩm du lịch mới...


Từ năm 2020 đến 2025 và định hướng đến năm 2030, du lịch Khánh Hòa tiếp tục khẳng định dòng sản phẩm du lịch biển đảo với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, vui chơi giải trí trên biển mang thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa có tính cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, hoàn chỉnh các khu du lịch với các tổ hợp giải trí, các khu nghỉ dưỡng biển cao cấp, tiện nghi, khu vui chơi giải trí tổng hợp tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. Đồng thời xúc tiến đầu tư, phát triển mạnh các sản phẩm du lịch sinh thái núi, rừng, các khu du lịch gắn với vườn thú tự nhiên, du lịch làng nghề và du lịch cộng đồng; hình thành các khu nghỉ dưỡng biển, các khu vui chơi giải trí gắn với đặc khu kinh tế Vân Phong.


Theo lãnh đạo Sở Du lịch, trong định hướng phát triển vẫn tập trung khai thác tốt các thị trường khách quốc tế trọng điểm của du lịch Khánh Hòa như: Nga, Trung Quốc, Tây Âu, Bắc Mỹ và một số nước vùng Đông Bắc Á. Mặt khác, có các phương án thích hợp để tiếp tục thu hút được khách từ các địa phương lớn trong nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Để thực hiện được các mục tiêu kể trên, cần hoàn thiện việc đầu tư hạ tầng du lịch ở TP. Nha Trang để trở thành đô thị du lịch; nâng cấp chất lượng các sản phẩm du lịch biển đảo, sản phẩm tắm bùn khoáng nóng cao cấp, các hoạt động vui chơi giải trí gắn với biển. Ngoài ra, xây dựng thêm các chương trình tham quan mới, nhất là du lịch làng nghề truyền thống, tâm linh, văn hóa, mở rộng địa bàn du lịch tại các huyện, thị xã và TP. Cam Ranh; đầu tư xây dựng các khu chợ đêm, ẩm thực truyền thống, điểm vui chơi giải trí về đêm trên địa bàn TP. Nha Trang. Đồng thời, tập trung thu hút kêu gọi đầu tư Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh trở thành khu du lịch quốc gia; thực hiện đồng bộ các giải pháp về việc tạo dựng cơ chế chính sách; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh thu hút thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch.


Với một loạt mục tiêu, kế hoạch, giải pháp được đưa ra, hy vọng rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ được thấy một diện mạo phát triển mới của các loại hình sản phẩm du lịch của địa phương có chất lượng cao, đẳng cấp xứng tầm với khu vực và thế giới.


G.Đ