11:01, 06/01/2017

Tiềm năng tuyến du lịch hành hương

Từ lâu, Tháp Bà - Am Chúa - Suối Đổ là chuỗi di tích có giá trị văn hóa nổi bật của xứ Trầm Hương. Tuy nhiên cho đến nay, ngoài Tháp Bà Ponagar, 2 di tích còn lại vẫn chưa phát huy được giá trị trong việc phục vụ du lịch ....

Từ lâu, Tháp Bà - Am Chúa - Suối Đổ là chuỗi di tích có giá trị văn hóa nổi bật của xứ Trầm Hương. Tuy nhiên cho đến nay, ngoài Tháp Bà Ponagar, 2 di tích còn lại vẫn chưa phát huy được giá trị trong việc phục vụ du lịch. Gần đây, các nhà nghiên cứu đề xuất khảo sát, xây dựng tuyến du lịch hành hương tâm linh quanh cụm di tích này.


Cần một nghiên cứu có tính hệ thống


Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, quần thể di tích Tháp Bà Ponagar - Am Chúa - Suối Đổ là một trong 2 trung tâm quan trọng về tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung (điểm còn lại là điện Hòn Chén ở Huế). Các lễ hội văn hóa được tổ chức hàng năm ở Am Chúa, Tháp Bà Ponagar đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng cư dân Khánh Hòa cũng như khu vực miền Trung.

 

Khu di tích Tháp Bà đã trở thành địa chỉ quen thuộc với khách du lịch
Khu di tích Tháp Bà đã trở thành địa chỉ quen thuộc với khách du lịch

 

 
Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã có không ít công trình nghiên cứu liên quan đến các di tích Tháp Bà Ponagar, Am Chúa và tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na. Trong đó, phần lớn những nghiên cứu  của các học giả nước ngoài đều tập trung vào hệ thống đền tháp Chăm, một phần nào đó là tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na. Trong khi đó, các tác giả trong nước lại có những nghiên cứu, khảo sát trên một bình diện rộng hơn. Có thể kể đến các công trình nghiên cứu, khảo sát tiêu biểu như: Thần Người và Đất Việt (Tạ Chí Đại Trường) Thiên Y A Na Thánh Mẫu từ cái nhìn dịch học (Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Công Bằng), Tín ngưỡng Ponagar trong đời sống văn hóa của người dân Khánh Hòa (Ngô Văn Doanh), Khảo tả lễ hội Am Chúa (Hình Phước Long), Khảo tả lễ hội Tháp Bà - Nha Trang (Lê Đình Chi)...


Tuy nhiên, những công trình này chủ yếu là những công trình nghiên cứu, khảo tả đơn lẻ, đề cập đến lịch sử, đặc trưng của di tích, lễ hội. Thạc sĩ Nguyễn Thăng Long (Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam tại Huế) bày tỏ: “Tháp Bà Ponagar - Am Chúa - Suối Đổ có một sự liên kết rất chặt chẽ về văn hóa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu mang tính hệ thống về mối liên hệ mật thiết của cụm di tích này, nhất là việc phát huy giá trị của cụm di tích trong phục vụ du lịch”.


Tiềm năng về một tuyến du lịch tâm linh


Lâu nay, việc khai thác giá trị di sản văn hóa của cụm di tích Tháp Bà - Am Chúa - Suối Đổ đã được đề cập khá nhiều. Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài Tháp Bà Ponagar đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng, các di tích: Am Chúa (thôn Đại Điền Trung, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) và Suối Đổ (xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh) chưa phát huy được nhiều giá trị đối với du lịch; việc khai thác giá trị di sản của cả 3 di tích này vẫn còn khá đơn lẻ, thiếu tính liên kết. Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho biết: “Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã gợi ý đến việc xây dựng Tháp Bà - Am Chúa - Suối Đổ thành một tour du lịch văn hóa tâm linh. Tới đây, ngành sẽ đề xuất khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này, trong đó sẽ đề xuất các hướng khai thác để phục vụ du lịch”.


Bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng, du lịch lễ hội tâm linh đang dần trở thành xu hướng phát triển trong đời sống ngày nay. “Cụm 3 di tích Tháp Bà, Am Chúa và Suối Đổ đã tạo thành một quần thể liên hoàn có tiềm năng du lịch hành hương. Khi đặt 3 di tích này vào trong một hệ thống liên quan mật thiết với nhau, người dân và du khách sẽ hiểu rõ hơn về bức tranh tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na ở Khánh Hòa, từ cội nguồn lịch sử cho đến thực tại. Thực tế, nhiều khách hành hương cũng đã tự tìm đến các di tích này. Do vậy, việc nghiên cứu đề xuất hướng khai thác, phát huy giá trị một cách bền vững là điều hết sức cần thiết”, Thạc sĩ Nguyễn Thăng Long nói.


XUÂN THÀNH