05:09, 30/09/2016

Nhân lực du lịch: Vừa thiếu, vừa yếu

Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nhưng hiện nay, các địa phương có hoạt động du lịch phát triển đều đang gặp khó về nhân lực.

Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nhưng hiện nay, các địa phương có hoạt động du lịch phát triển đều đang gặp khó về nhân lực.


Mỗi năm, TP. Nha Trang đón hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, đẳng cấp. Tuy nhiên, cái khó trong hoạt động du lịch của TP. Nha Trang nhiều năm qua chính là vấn đề nhân sự. Theo ước tính, trên địa bàn thành phố có khoảng 115.000 người đang làm việc ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. “So với nhu cầu thực tế của ngành du lịch thành phố thì nguồn nhân lực này chưa đáp ứng được. Lao động trong lĩnh vực du lịch vẫn còn những hạn chế về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, trước những diễn biến về thị trường khách quốc tế đã dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu”, ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết. Bên cạnh đó, TP. Nha Trang cũng gặp khó về nhân sự quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Đến nay, đội ngũ công chức trực tiếp phụ trách lĩnh vực du lịch ở Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố và 27 xã, phường đều đang kiêm nhiệm. Thậm chí những người được phân công phụ trách vấn đề du lịch nhưng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa được quan tâm đào tạo nên trong quá trình xử lý công việc gặp nhiều khó khăn.

 

Nhân viên lễ tân khách sạn Liberty Central Nha Trang đang làm thủ tục nhận phòng cho khách
Nhân viên lễ tân khách sạn Liberty Central Nha Trang đang làm thủ tục nhận phòng cho khách


Hoạt động du lịch ở TP. Cam Ranh thời gian qua cũng có nhiều khởi sắc, trung bình mỗi năm thành phố đón khoảng 70.000 lượt khách du lịch. Hiện nay, phần lớn lao động trong ngành du lịch ở Cam Ranh làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, còn lại là hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, vận chuyển khách du lịch. Có tới 85% lao động du lịch ở Cam Ranh chưa qua trường lớp đào tạo về nghiệp vụ du lịch, số lao động có bằng cấp chỉ chiếm 15%. “Nhìn chung, nguồn nhân lực hiện tại vừa thiếu vừa yếu về số lượng lẫn chuyên môn nghiệp vụ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế trong hoạt động du lịch”, ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh chia sẻ.


Thị xã Ninh Hòa mỗi năm đón khoảng 100.000 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 10% là khách nước ngoài. Trên địa bàn thị xã có 63 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, trong đó có 5 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao; 11 điểm du lịch. Theo ông Lê Bá Thuận - Phó Chủ tịch UBND thị xã, các cơ sở kinh doanh du lịch có quy mô lớn cơ bản đảm bảo nguồn lao động có trình độ chuyên môn, hoặc chí ít cũng qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn. Tuy nhiên, với những cơ sở kinh doanh theo hình thức nhỏ lẻ thì chưa đảm bảo các yêu cầu về trình độ, nghiệp vụ căn bản cho các vị trí làm việc cụ thể. Sở dĩ có tình trạng trên là do các chủ doanh nghiệp du lịch chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.


Tại huyện Cam Lâm, tình trạng thiếu lao động chuyên nghiệp và nghiệp vụ cao khá phổ biến. Hiện tại, mới có khoảng 1.500 lao động làm việc tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Bãi Dài, trong đó có 50% lao động được các nhà đầu tư đào tạo từ lao động phổ thông, số còn lại đã qua các trường lớp chuyên môn du lịch. Đối với lao động phục vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch cá thể, hầu hết không có chuyên môn về du lịch. Thực tế, UBND huyện cũng đã có chủ trương đào tạo, cung cấp lực lượng lao động địa phương để làm việc ở các khu nghỉ dưỡng, nhưng công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, không đủ số lượng để mở lớp.


Ở huyện Diên Khánh, số lượng người làm việc tại các điểm du lịch chỉ có 53 người, trong đó có 8 người đạt trình độ đại học, cao đẳng, còn lại đều là lao động địa phương chưa qua đào tạo về chuyên môn. Đội ngũ cán bộ phụ trách du lịch từ huyện đến các xã, thị trấn đều kiêm nhiệm và cũng chỉ mới trải qua một số lớp tập huấn ngắn ngày về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, nên hiệu quả tham mưu chưa cao.

 

Trong buổi làm việc với Sở Du lịch đầu tháng 9, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, vấn đề nguồn nhân lực ngành du lịch tuy đang gặp nhiều khó khăn. Sắp tới, tỉnh sẽ triển khai xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Khi đề án được triển khai, hy vọng sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc hiện tại đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch.

Trước những khó khăn về nguồn nhân lực du lịch, hầu hết các địa phương đều mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của tỉnh và Sở Du lịch trong việc mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho lao động trong ngành, cho những người làm công tác quản lý nhà nước về du lịch. Được biết hàng năm, Sở Du lịch đều mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về du lịch, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Từ đầu năm đến nay, Sở Du lịch đã mở 2 lớp tập huấn ngắn ngày về công tác kê khai, niêm yết giá cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, lữ hành trên địa bàn tỉnh; tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.


Trong đợt giám sát về công tác quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch tại một số địa phương vừa qua, ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, vấn đề nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn là thực tế đang diễn ra  ở nhiều địa phương. Để giải quyết vấn đề này, các địa phương cần chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, liên hệ với các cơ quan chuyên môn ở tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các trường có đào tạo chuyên ngành du lịch để mở các lớp tập huấn, các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ nhân sự của mình. Về lâu dài, cần có phương án đào tạo, bồi dưỡng cụ thể đối với đội ngũ những người làm du lịch, dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương.


NHÂN TÂM