01:07, 23/07/2016

Nhiều ý kiến về quy định hướng dẫn viên du lịch

Mới đây, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã tổ chức lấy ý kiến một số doanh nghiệp (DN) thành viên về việc góp ý cho dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi). Từ thực tiễn hoạt động, các DN đã có những đóng góp thiết thực đối với việc sửa đổi luật trong thời gian tới.

Mới đây, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã tổ chức lấy ý kiến một số doanh nghiệp (DN) thành viên về việc góp ý cho dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi). Từ thực tiễn hoạt động, các DN đã có những đóng góp thiết thực đối với việc sửa đổi luật trong thời gian tới.


Theo ông Lâm Duy Anh Cường - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa, hiện Luật Du lịch có một số nội dung không còn phù hợp, vì vậy cần phải được nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện mới. Ông Cường cho rằng, trong dự thảo Luật Du lịch, các nhóm vấn đề cần được DN góp ý là: điều kiện kinh doanh lữ hành; thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch; thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú.

 

Khách du lịch quốc tế đến Nha Trang - Khánh Hòa. Ảnh minh họa
Khách du lịch quốc tế đến Nha Trang - Khánh Hòa. Ảnh minh họa


Từ góc nhìn của DN kinh doanh lữ hành, ông Nguyễn Quang Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế TICTOURS cho rằng: Dự thảo Luật Du lịch đã quy định rõ và chi tiết hơn về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực kinh doanh lữ hành, trong đó có nội dung tiền ký quỹ đối với DN kinh doanh du lịch. Đối với quy định về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành chỉ cần 1 trong 2 điều kiện: phải tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành du lịch trở lên hoặc có giấy chứng nhận nghiệp vụ điều hành du lịch do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp, chứ không nên đòi hỏi cả 2 điều kiện trên.


Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các DN chính là quy định liên quan đến hướng dẫn viên (HDV) du lịch và việc cấp thẻ HDV du lịch. Theo ông Bùi Minh Thắng - Giám đốc Công ty Du lịch Victory Tour, trong luật nên bỏ phần quy định phải có tối thiểu 3 HDV du lịch quốc tế đối với việc đăng ký kinh doanh lữ hành quốc tế. Trên thực tế, việc thực hiện quy định này lâu nay vẫn còn mang tính hình thức. Tình trạng nhiều DN “mượn” người có thẻ HDV quốc tế để đăng ký cho có lệ vẫn diễn ra. Trong khi đó, ông Lâm Duy Anh Cường cho rằng, nên quy định thống nhất trình độ HDV nội địa và quốc tế đều tốt nghiệp cao đẳng trở lên, như vậy mới công bằng và không xem nhẹ HDV nội địa hay quốc tế. Nền tảng kiến thức và kỹ năng phải đạt chuẩn như nhau, còn ngoại ngữ chỉ là phương tiện để truyền tải kiến thức, thông tin đến du khách.

 

Bà Phan Thanh Trúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch: Những ý kiến góp ý của các DN là việc làm cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình du lịch đang có sự phát triển như hiện nay.

Việc thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch cũng là nội dung được các DN góp ý nhiều. Theo đại diện của khách sạn Green World Nha Trang, Luật Du lịch hiện hành đang tồn tại một số bất cập, một số loại cơ sở lưu trú du lịch không được triển khai thẩm định, xếp hạng vì chưa được quy định trong luật. Để tạo nên một hệ thống pháp luật về lưu trú du lịch đầy đủ, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh ổn định bền vững, dự thảo luật nên bổ sung quy định về các loại hình cơ sở lưu trú du lịch, trình tự, cũng như thủ tục thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Đây là căn cứ để xếp hạng cũng như xử phạt nếu phát hiện có vi phạm.


Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, những ý kiến đóng góp của các DN đối với dự thảo Luật Du lịch sẽ được hiệp hội tổng hợp, biên soạn thành văn bản để gửi đến Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Chúng tôi mong rằng, điều này sẽ góp thêm tiếng nói trong việc chỉnh sửa Luật Du lịch ngày càng phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành Du lịch.


NHÂN TÂM