10:03, 31/03/2016

Phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của cả nước và quốc tế

Những năm gần đây, TP. Nha Trang đã có những bước phát triển đáng kể về kinh tế - xã hội. Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa (2-4-1975 - 2-4-2016), Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Danh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Nha Trang về những thành tựu đạt được cũng như định hướng của thành phố trong thời gian tới.

Những năm gần đây, TP. Nha Trang đã có những bước phát triển đáng kể về kinh tế - xã hội (KT-XH). Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa (2-4-1975 - 2-4-2016), Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Danh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Nha Trang về những thành tựu đạt được cũng như định hướng của thành phố trong thời gian tới.

- Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật mà Đảng bộ và nhân dân thành phố đạt được trong những năm qua?

 


- Với sự đoàn kết nỗ lực của toàn Đảng bộ, những năm qua, tình hình KT-XH của thành phố phát triển ổn định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ - du lịch, công nghiệp - xây dựng. 5 năm qua, các ngành dịch vụ, thương mại được đầu tư phát triển với mức tăng bình quân 12,6%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 7,6%/năm; giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3,5%/năm.


So với năm trước, năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt gần 25.475 tỷ đồng, tăng 15,12%; giá trị thương mại và dịch vụ đạt 41.760 tỷ đồng, tăng 21,7%; doanh thu du lịch đạt hơn 4.686 tỷ đồng, tăng 15,25%; tổng số khách lưu trú trên địa bàn đạt hơn 3,8 triệu lượt khách, tăng 13,22%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt hơn 2.754 tỷ đồng, tăng 18%...


Bên cạnh đó, việc thực hiện các chương trình KT-XH trọng điểm của tỉnh trên địa bàn thành phố đạt kết quả tích cực, nổi bật là chương trình phát triển đô thị và chương trình xây dựng nông thôn mới.


Các lĩnh vực: y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, xã hội tiếp tục có bước chuyển biến tích cực. Nhờ huy động được nguồn lực, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm nhanh, từ 4,52% theo chuẩn mới vào cuối năm 2010 xuống còn 1,25% vào năm 2015. Công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường.


- Mỗi người dân thành phố cũng như những du khách có dịp trở lại Nha Trang đều cảm nhận rõ sự đổi thay của thành phố từ đô thị đến nông thôn. Điều này cho thấy hiệu quả của chương trình phát triển đô thị và chương trình xây dựng nông thôn mới. Xin ông cho biết những kết quả cụ thể từ 2 chương trình này cũng như định hướng phát triển trong những năm tới?


- Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh và thành phố, diện mạo đô thị Nha Trang đã có nhiều đổi thay tích cực. Thực hiện Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa và Kế hoạch phát triển đô thị thành phố Nha Trang giai đoạn 2011 - 2015, Nha Trang đã tập trung triển khai và đạt được những kết quả tích cực đối với cả công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đến nay, thành phố đã phủ kín quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) đạt tỷ lệ 96% và đang tiếp tục triển khai các quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 ở một số xã, phường. Hạ tầng kỹ thuật đô thị của thành phố được cải thiện đáng kể và phát triển tương đối đồng bộ về giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc… Các dự án khu dân cư, khu đô thị mới thực sự tạo ra diện mạo mới cho thành phố và cải thiện cơ bản về điều kiện sống cho dân cư đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.


Những năm tới, thành phố sẽ tập trung đầu tư chủ yếu cho phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển thành phố về phía tây và tây nam, hình thành các khu đô thị mới đa chức năng phù hợp với yêu cầu phát triển TP. Nha Trang trong tương lai.


Sau gần 5 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt 8 xã nông thôn trên địa bàn thành phố đã có sự thay đổi rõ rệt. Cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng khang trang, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất phát triển phù hợp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Chương trình phát triển giao thông đã cải thiện căn bản điều kiện đi lại và góp phần phát triển KT-XH, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ngoại thành. Đến nay, thành phố đã có 4 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới gồm: Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh; 2 xã đạt 16 tiêu chí là Phước Đồng và Vĩnh Phương; 2 xã đạt 15 tiêu chí là Vĩnh Thái và Vĩnh Lương. Hiện nay, thành phố đang tập trung nguồn lực cho 2 xã Phước Đồng và Vĩnh Phương hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới trong năm 2016. Trong giai đoạn 2017 - 2020, phấn đấu các xã còn lại đều đạt chuẩn nông thôn mới.


- Phát huy thế mạnh của thành phố du lịch, TP. Nha Trang cần làm gì để thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng của cả nước và quốc tế, thưa ông?


- Những năm gần đây, dịch vụ - du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Doanh thu cũng như lượng khách du lịch đến với Nha Trang ngày càng tăng. Cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ du lịch đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Phát huy lợi thế, tiềm năng của thành phố, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng như Kế hoạch phát triển KT-XH thành phố, giai đoạn 2016 - 2020 đều xác định xây dựng Nha Trang thành trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng của cả nước và quốc tế; chỉ tiêu đến năm 2020, giá trị dịch vụ du lịch tăng bình quân 18%/năm, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 25 đến 30%.


Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố sẽ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn; hình thành các khu giải trí về đêm. Khuyến khích phát triển một số làng nghề truyền thống về thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch và thực hiện các ấn phẩm để giới thiệu, quảng bá du lịch Nha Trang - Khánh Hòa.


Bên cạnh đó, tổ chức triển khai có hiệu quả đề án xây dựng thành phố “Đô thị văn minh - công dân thân thiện” và đề án đảm bảo trật tự an toàn xã hội cho các hoạt động du lịch; tập trung xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật nhằm thu hút khách du lịch và vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch; đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị, tạo môi trường lành mạnh cho phát triển du lịch. Mặt khác, tổ chức phát động phong trào người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch và phong trào “mỗi người dân là một hướng dẫn viên, niềm nở với khách du lịch”; xử lý nghiêm hiện tượng xin ăn, hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách, kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường, góp phần tạo ấn tượng thành phố là điểm đến an toàn, thân thiện đối với khách du lịch. Thành phố sẽ bố trí kinh phí cho công tác tu bổ, tôn tạo và phục dựng các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, phục vụ giáo dục truyền thống gắn với hoạt động phát triển du lịch tại địa phương!


- Xin cảm ơn ông!


N.D (Thực hiện)