Theo đánh giá của giới chuyên môn, những năm qua, hoạt động du lịch ở khu vực miền Trung tuy có sự phát triển nhưng chưa tập trung. Đã đến lúc các địa phương trong vùng cần bắt tay hợp tác để du lịch phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, những năm qua, hoạt động du lịch ở khu vực miền Trung tuy có sự phát triển nhưng chưa tập trung. Đã đến lúc các địa phương trong vùng cần bắt tay hợp tác để du lịch phát triển mạnh mẽ hơn.
Thống nhất hoạt động du lịch trong khu vực
Theo đánh giá của Tổng Cục du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), khu vực Bắc - Nam Trung Bộ có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển du lịch Việt Nam. Đây được xem là địa bàn chiến lược của du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Khu vực này là địa bàn phát triển các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng như: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái tự nhiên. Đây cũng chính là 3 dòng sản phẩm chiến lược của du lịch Việt Nam và với những tiềm năng sẵn có, các dòng sản phẩm này có thể tạo nên thương hiệu du lịch quốc gia.
Công viên nước khoáng I-Resort Nha Trang |
Theo ý kiến của các nhà chuyên môn, cần có sự đổi mới về nhận thức theo hướng mở rộng không gian du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ thành một thực thể thống nhất là du lịch miền Trung. Có như vậy, mới thúc đẩy được sự liên kết một cách thực chất đối với các địa phương trong vùng. Chẳng hạn, du lịch miền Trung sẽ tạo ra những tour tuyến mới mang tính chất liên vùng như: du lịch di sản từ Thanh Hóa đến Quảng Nam; du lịch tâm linh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế; du lịch biển đảo từ Đà Nẵng đến Bình Thuận với Khánh Hòa làm điểm nhấn.... “Du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ lâu nay có phát triển, nhưng manh mún, trong thế chia cắt, cục bộ địa phương, thiếu sự liên kết và hầu như không có trọng điểm đột phá nên thiếu sức lan tỏa. Chính vì thế, đã đến lúc cần nghĩ tới việc thống nhất hoạt động du lịch trong khu vực. Có như thế, chúng ta mới tạo nên được những sản phẩm du lịch đẳng cấp, bắt kịp với xu hướng chuyển dịch của hoạt động du lịch trên thế giới”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện Trưởng Viện kinh tế Việt Nam khẳng định.
Việc thống nhất không gian du lịch miền Trung sẽ giúp các tỉnh, thành trong khu vực xây dựng được quy hoạch du lịch của mình vừa phát huy được lợi thế với sản phẩm đặc thù mà không bị trùng lắp, sao chép. Đến khi đó, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch sẽ được các địa phương thực hiện một cách đồng bộ. Khi đã cùng nhau hiện thực hóa không gian du lịch miền Trung, mỗi địa phương sẽ tôn trọng sự điều phối của một “nhạc trưởng”, từ đó hoạt động du lịch của các thành viên sẽ trở nên nhịp nhàng, tránh được sự chồng lấn, cát cứ…
Hợp tác toàn diện
Mới đây, các địa phương ở khu vực miền Trung đã cùng nhau ký cam kết hợp tác toàn diện nhằm khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của vùng. Theo đó, mỗi địa phương có trách nhiệm chia sẻ về tình hình thị trường khách, các chính sách riêng đối với cộng đồng doanh nghiệp. Trong vấn đề phát triển sản phẩm, các bên cam kết xây dựng và thực thi kế hoạch hợp tác sản phẩm liên vùng. Trước mắt sẽ là các chương trình du lịch liên vùng, tổ chức các sự kiện du lịch trong khu vực, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành xây dựng các chương trình du lịch phù hợp. Đối với hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, sẽ tập trung tham gia vận động doanh nghiệp ở các địa phương cùng tham gia vào những sự kiện du lịch quốc gia, quốc tế để giới thiệu điểm đến ở miền Trung. Các địa phương trong vùng cũng cam kết hợp tác với nhau phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao chất lượng lao động trong ngành theo định hướng chung. Trong đó, đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ nhân sự quản lý, nhân viên phục vụ tại các cơ sở lưu trú, các công ty lữ hành…
Tại hội thảo khoa học liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ, diễn ra tại Nghệ An ngày 20-2, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã cam kết: hỗ trợ 10 tỷ đồng để xây dựng quy hoạch phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ; dành 3 đến 5 tỷ USD tài trợ triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm phục vụ du lịch trong vùng giai đoạn 2016 - 2020. |
Trong xu thế liên kết phát triển với các tỉnh ở miền Trung, Khánh Hòa đang từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để từ đó góp phần thúc đẩy ngành du lịch của cả vùng phát triển. Thời gian tới, Nha Trang - Khánh Hòa sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như sân bay, cảng biển; tập trung đầu tư xây dựng khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch ngâm tắm bùn khoáng thiên nhiên để trở thành thương hiệu du lịch đặc trưng của vùng. Đồng thời, phối hợp với các địa phương trong khu vực để khai thác triệt để thế mạnh đặc trưng, xây dựng thương hiệu du lịch vùng có sức cạnh tranh cao.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa cũng đề xuất một số giải pháp như: mở thêm các đường bay nội địa nối các tỉnh, thành trong khu vực; các doanh nghiệp du lịch cần chủ động hợp tác, liên kết khai thác thị trường khách quốc tế thông qua hành lang kinh tế Đông - Tây; các địa phương có chương trình tham quan, liên kết sản phẩm du lịch đặc thù của từng vùng.
N.Tâm