04:04, 22/04/2015

Sẽ có khoảng 6 - 7 triệu người tham dự Lễ hội Đền Hùng

 "Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng 2015 diễn ra từ 23 - 28/4 (tức mùng 5 - 10/3 âm lịch), trùng đúng vào dịp nghỉ lễ dài.

“Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng 2015 diễn ra từ 23 - 28/4 (tức mùng 5 - 10/3 âm lịch), trùng đúng vào dịp nghỉ lễ dài.

 

Chính vì vậy, Ban tổ chức dự kiến lượng khách hành hương về đất Tổ sẽ tăng đột biến, khoảng 6 - 7 triệu người” - ông Hà Kế San – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban tổ chức sự kiện cho biết tại cuộc họp báo diễn ra sáng 16/4 tại Hà Nội.

Đông đảo du khách tham dự Lễ hội Đền Hùng năm 2014. Ảnh: Chiến Công
Đông đảo du khách tham dự Lễ hội Đền Hùng năm 2014. Ảnh: Chiến Công

 

Theo thông báo chính thức, Lễ hội Đền Hùng 2015 bao gồm 2 phần: Lễ và hội. Phần lễ bao gồm sự kiện: Rước kiệu lễ vật, lễ tế tại đền Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, lễ dâng hương Quốc Tổ Lạc Long Quân, lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ… Phần hội sẽ bao gồm rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thương mại, du lịch, thể thao diễn ra trên toàn tỉnh Phú Thọ. Có thể kể đến triển lãm ảnh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Hành trình trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” tại Bảo tàng Hùng Vương (từ 23 - 28/4); hội trại văn hóa, liên hoan văn nghệ quần chúng; Hội chợ Hùng Vương; đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân; triển lãm tư liệu ảnh, hiện vật đồng bào cả nước cung tiến Đền Hùng, bắn pháo hoa tầm cao; hội chợ Du lịch Tây Bắc năm 2015; giao lưu hát dân ca các vùng miền đất nước…

 

Nét mới của chương trình Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm nay là tổ chức một không gian trình diễn hát Xoan tại nhiều địa điểm trên địa bàn. Người yêu hát Xoan có thể thưởng thức ngay những làn điệu xoan mới trong Liên hoan hát Xoan tại Nhà văn hóa thiếu niên tỉnh Phú Thọ (25/4). Thế nhưng, với những du khách yêu Xoan cổ lại tìm về Miếu Lãi Lèn, đình Khét, xã Kim Đức, đình Hùng Lô, xã Hùng Lô để lắng nghe và xem trình diễn. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đang dành một chương trình hành động bảo vệ hát Xoan với nhiều hoạt động cụ thể như đào tạo được 61 nghệ nhân kế cận, 101 học viên ở các lớp học cộng đồng, tập trung phục hồi hát Xoan ở các phường Xoan gốc, đưa hát Xoan vào trong chương trình giáo dục di sản của trường học, biên tập hệ thống hóa tổng hợp hát Xoan, tổ chức không gian diễn xướng… Những nỗ lực này không chỉ nhằm năm 2015 đưa di sản hát Xoan ra khỏi danh sách cần phải bảo vệ khẩn cấp theo đề nghị của UNESCO mà còn để thu hút du khách đến với Phú Thọ.

Sau khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, mỗi dịp tháng 3 âm lịch, lượng người hướng về đất Tổ ngày một đông hơn. Mặc dù, trong không gian vài chục héc ta của di tích đón hàng triệu lượt khách mỗi ngày, nhưng Ban tổ chức lễ hội đã dự phòng rất nhiều phương án đảm bảo an ninh trật tự lễ hội. Năm nay, Ban tổ chức sẽ thiết lập đường dây nóng (số điện thoại: 02106551666) để người dân có thể gọi điện phản ánh bất cứ lúc nào khi gặp vấn đề như bị “chặt chém”, an ninh lộn xộn. Năm 2015, quy mô tổ chức Lễ hội Đền Hùng lớn hơn các năm lẻ, nên về cơ bản các công trình xây dựng xung quanh di tích đã được hoàn thành và sẵn sàng đón khách hành hương.

Theo Kinh tế và Đô thị