Số lượng người nước ngoài tham gia hoạt động lữ hành trên địa bàn TP. Nha Trang ngày càng nhiều. Phần lớn họ chưa được cấp giấy phép lao động ở Việt Nam.
Số lượng người nước ngoài tham gia hoạt động lữ hành trên địa bàn TP. Nha Trang ngày càng nhiều. Phần lớn họ chưa được cấp giấy phép lao động ở Việt Nam.
Một người nước ngoài (bìa phải hàng trước) đang làm hướng dẫn viên du lịch trái phép tại chùa Long Sơn |
Đến các tuyến đường trong khu phố Tây ở TP. Nha Trang như: Biệt Thự, Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, Trần Quang Khải... không khó để nhận ra những người nước ngoài đang làm việc cho các doanh nghiệp lữ hành, các đại lý bán tour. Họ tham gia nhiều phần việc khác nhau như giới thiệu quảng cáo tour, bán tour, chăm sóc khách hàng, hướng dẫn viên du lịch... Địa điểm hoạt động của họ rất đa dạng, khi trong văn phòng công ty, lúc ở các nhà hàng, quán bar, khi thì ở những điểm du lịch trong thành phố, thậm chí họ còn lấy vỉa hè làm nơi hoạt động. Sự xuất hiện của lực lượng lao động này đã gây không ít thắc mắc cho người dân. “Thời gian gần đây, trước nhà tôi có nhiều người nước ngoài đứng cầm tờ rơi phát cho khách du lịch. Thậm chí họ còn thỏa thuận việc mua bán tour ngay tại đó”, ông Đinh Văn Sơn (đường Nguyễn Thiện Thuật) cho biết. Còn theo giám đốc một công ty du lịch trên đường Mê Linh, những người nước ngoài này chủ yếu chào bán tour cho đối tượng khách Nga.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến cuối tháng 3, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 18 doanh nghiệp lữ hành và đại lý lữ hành có đăng ký sử dụng lao động người nước ngoài với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH). Và cũng chỉ có 87 trường hợp người nước ngoài được Sở này cấp giấy phép lao động. Trong đó, nhiều nhất là người Nga với 65 trường hợp. Tuy nhiên, việc quản lý những lao động có phép này cũng gặp khó khăn. Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: “Có những trường hợp khi đăng ký xin cấp giấy phép lao động ở công ty này, sau một thời gian đã chuyển qua công ty khác mà không báo lại cho Sở. Có nhiều vị trí lao động người Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được như: chăm sóc khách hàng, bán tour, phát tờ rơi..., nhưng các doanh nghiệp đều viện cớ về vấn đề ngoại ngữ, nhất là tiếng Nga để yêu cầu Sở cấp giấy phép lao động”. Còn theo một lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều trường hợp người lao động nước ngoài mang danh nghĩa chăm sóc khách hàng, nhưng khi đến các điểm du lịch, nhất là những điểm văn hóa, lịch sử, tâm linh, tín ngưỡng, họ lại trở thành hướng dẫn viên du lịch. Trong khi đó, theo quy định chỉ cho phép người Việt Nam làm hướng dẫn viên quốc tế, chứ chưa cho phép người nước ngoài làm hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam.
Quản lý lao động người nước ngoài được cấp phép đã khó, với những đối tượng không được cấp giấy phép lao động càng khó khăn hơn. Theo thông tin từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh), những đối tượng lao động nước ngoài không phép chủ yếu đến Nha Trang - Khánh Hòa bằng con đường du lịch. Vì nhiều lý do khác nhau, sau khi đến Nha Trang, họ đã tìm cách ở lại làm việc trái phép. Từ tháng 11-2014 đến tháng 2-2015, đã có 3 trường hợp bị các cơ quan chức năng xử lý hủy thị thực, buộc xuất cảnh.
Mới đây, trong cuộc họp với các sở, ngành về công tác quản lý hoạt động lữ hành trên địa bàn tỉnh, đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu: “Sở LĐ-TB-XH nhanh chóng rà soát lại danh sách lao động người nước ngoài được cấp giấy phép lao động trong lĩnh vực lữ hành. Đồng thời, nghiên cứu lại các quy định, chính sách liên quan đến việc cấp phép cho lao động người nước ngoài trong ngành du lịch nói chung và lữ hành nói riêng để có những đề xuất cụ thể lên UBND tỉnh”.
Nhân Tâm