07:04, 02/04/2015

40 năm thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa

Từ những cơ sở vật chất ít ỏi do chế độ cũ để lại, du lịch Khánh Hòa đã không ngừng nỗ lực phát triển, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Qua 40 năm xây dựng và phát triển, thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa ngày càng được khẳng định.

Từ những cơ sở vật chất ít ỏi do chế độ cũ để lại, du lịch Khánh Hòa đã không ngừng nỗ lực phát triển, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Qua 40 năm xây dựng và phát triển, thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa ngày càng được khẳng định.

 

Một góc khu du lịch Vinpearl.
Một góc khu du lịch Vinpearl


Từ một ngành kinh tế nhỏ…


Nhìn lại quá trình 40 năm xây dựng và phát triển của ngành Du lịch tỉnh, có thể thấy khoảng thời gian từ năm 1975 đến 1989 là thời kỳ đặt nền móng. Định hướng cơ cấu kinh tế của tỉnh Phú Khánh lúc bấy giờ là: nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ và du lịch. Dấu mốc đầu tiên phải kể tới là việc ra đời Công ty Du lịch Phú Khánh (tiền thân Công ty TNHH một thành viên Du lịch Khánh Hòa ngày nay) vào ngày 3-3-1976, đây là doanh nghiệp (DN) hoạt động du lịch đầu tiên của tỉnh. Tiếp đó, các DN, đơn vị kinh tế có hoạt động kinh doanh du lịch lần lượt ra đời như: Công ty Khách sạn Nha Trang, Công ty Ăn uống và Khách sạn Nha Trang, Công ty Cung ứng tàu biển Nha Trang... Về cơ sở lưu trú, chủ yếu là các khách sạn, nhà hàng của chính quyền cũ để lại với tổng số khoảng 30 cơ sở, hơn 700 phòng. Các khách sạn như Hải Yến (40 Trần Phú), Grand (44 Trần Phú), Thắng Lợi (4 Pasteur), Thống Nhất (18 Trần Phú), Nha Trang (129 Thống Nhất), biệt thự Bảo Đại (Cầu Đá - Vĩnh Nguyên)... từng một thời để lại nhiều ấn tượng với du khách và người dân. Ngoài ra, còn có khoảng 10 nhà trọ tư nhân được xây dựng trước năm 1975 vẫn tiếp tục duy trì hoạt động: Việt Ngữ, Xuân Sơn (đường 23-10), Thái Lai (214 Thống Nhất)...


Nhìn chung, hoạt động du lịch Khánh Hòa trong giai đoạn này phát triển khiêm tốn, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn nghèo nàn. Loại hình du lịch chủ yếu là nghỉ ngơi, dưỡng bệnh và tham quan các danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP. Nha Trang. Điểm nổi bật nhất của hoạt du lịch lúc bấy giờ là đã thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp quản, bảo toàn và phát triển các cơ sở nhà hàng, khách sạn của chính quyền cũ. Từ đó, thực hiện việc tổ chức đón và phục vụ khách du lịch quốc tế đến từ các nước XHCN và các đoàn khách của bộ, ngành, địa phương.


... đến thương hiệu du lịch uy tín

 

Năm 2014, tổng doanh thu du lịch đạt 6.000 tỷ đồng, tổng lượt khách lưu trú đạt gần 3,6 triệu lượt, trong đó khách quốc tế hơn 847.000 lượt. Trên địa bàn tỉnh có 572 cơ sở lưu trú với 16.146 phòng, trong đó có nhiều cơ sở đạt đẳng cấp 5 sao như khu du lịch Six Sense Ninh Vân Bay, Mia Resort, Amiana Resort, khách sạn Vinpearl Luxury, Sunrise, Sheraton, InterContinental, Havana... Có 155 DN kinh doanh lữ hành, trong đó có 37 DN lữ hành quốc tế.

Giai đoạn 1989 - 2000 được xem là thời kỳ du lịch Khánh Hòa phát triển và xây dựng thương hiệu. Cùng với sự đổi mới của đất nước, ngành Du lịch đã bắt đầu khởi sắc và phát triển. Quy mô của ngành ngày càng tăng và từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình. Sau khi chia tách tỉnh vào năm 1989, đến năm 1993, Sở Du lịch Khánh Hòa được thành lập, đánh dấu một bước phát triển mới. Đặc biệt, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (tháng 4-1996) đã xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng của công nghiệp, dịch vụ và du lịch, hình thành các ngành kinh tế mũi nhọn. Để thực hiện điều đó, tỉnh đã tạo cơ chế thuận lợi thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Công tác đào tạo đội ngũ lao động và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật được quan tâm có chiều sâu. Chính vì thế, hàng loạt cơ sở lưu trú, DN lữ hành, vận chuyển du lịch và các DN kinh doanh dịch vụ du lịch khác ra đời, tạo nên một môi trường du lịch sôi động. Cuối năm 2000, toàn tỉnh có 168 cơ sở lưu trú với 3.414 phòng, trong đó có gần 90 cơ sở lưu trú thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Nhiều khách sạn từ 3 sao đến 5 sao đi vào hoạt động như Evason Ana Mandara, Nha Trang Lodge, Yasaka-Saigon-Nhatrang, Quê Hương, Viễn Đông, Hải Yến... Có 52 DN lữ hành, trong đó có 4 DN kinh doanh lữ hành quốc tế. Sản phẩm du lịch ngày một đa dạng, các chương trình tham quan phong phú, nhiều khu vui chơi giải trí đã được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động như Bốn Mùa, Hòn Tằm, Dốc Lết, hồ cá Trí Nguyên... Bên cạnh đó, khách du lịch bằng tàu biển đã bắt đầu phát triển, nhiều hoạt động vui chơi giải trí, thể thao được đưa vào phục vụ du khách. Du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, các chỉ tiêu về du lịch hầu hết đều tăng bình quân từ 15 - 17%, tỷ trọng dịch vụ - du lịch trong GDP của tỉnh chiếm 34,6%. Thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã tạo được niềm tin với du khách.


Từ năm 2001 đến nay, du lịch Khánh Hòa có những bước phát triển mang tính đột phá. Các chỉ tiêu về du lịch hàng năm đều tăng trưởng bình quân từ 15 đến 25%. Dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch ngày càng đa dạng. Nhiều khu vui chơi giải trí hiện đại, ngang tầm quốc tế như khu vui chơi giải trí Vinpearl Land, khu du lịch Diamond Bay ra đời. Môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh được cải thiện đã tạo tâm lý thoải mái, an toàn cho du khách cũng như các nhà đầu tư, DN kinh doanh. “Hoạt động du lịch đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp hiệu quả trong quá trình triển khai của các sở, ngành, địa phương. Ngày càng có nhiều các hãng hàng không, các DN lữ hành trong nước và quốc tế đưa khách đến Nha Trang. Bên cạnh việc xây dựng Nha Trang thành một đô thị du lịch hiện đại, chúng ta cũng thực hiện việc phát triển du lịch ở những vùng có nhiều tiềm năng như Vân Phong, Bãi Dài”, ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ.


Với những kết quả đạt được, có thể nói, qua 40 năm hình thành và phát triển, du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã có sự thay đổi mạnh mẽ cả tư duy lẫn diện mạo.


Nhân Tâm