Sau gần 10 năm thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa đã trở thành điểm đến, địa chỉ tin cậy của du khách và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để chương trình hợp tác giữa 2 địa phương thực sự hiệu quả, cần mở ra những hướng đi mới.
Sau gần 10 năm thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch (DL) với TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa đã trở thành điểm đến, địa chỉ tin cậy của du khách và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để chương trình hợp tác giữa 2 địa phương thực sự hiệu quả, cần mở ra những hướng đi mới.
Hiện thực hóa cam kết
Cuối năm 2014, dự án Khu DL Sài Gòn - Cam Ranh của Tổng Công ty DL Sài Gòn (Saigontourist) chính thức được khởi công tại Khu DL Bắc bán đảo Cam Ranh. Đây là khu DL được xây dựng theo tiêu chuẩn 5 sao với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, diện tích 20ha. Theo ông Trần Hùng Việt - Tổng Giám đốc Saigontourist: “Khu DL Sài Gòn - Cam Ranh là một trong những dự án nhằm cụ thể hóa chương trình hợp tác phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hòa; đồng thời tập trung đầu tư khai thác Khu DL Bắc bán đảo Cam Ranh giàu tiềm năng”.
Khu du lịch Hòn Tằm Merper - Nha Trang. |
Tại Ngày hội DL TP. Hồ Chí Minh năm 2015 (diễn ra từ ngày 26 đến 29-3), Khánh Hòa có 7 đơn vị DL tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Ông Luyện Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến DL tỉnh cho biết: “Theo thống kê, có đến 60% lượng khách đến Nha Trang - Khánh Hòa xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy, những người làm DL Khánh Hòa luôn rất quan tâm đến thị trường này”. Còn ông Lê Dũng Lâm - Giám đốc Công ty Cổ phần DL Long Phú chia sẻ: “Năm nào chúng tôi cũng cử người tham gia các hội chợ, ngày hội DL ở TP. Hồ Chí Minh để gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm. Hiện tại, lượng khách từ TP. Hồ Chí Minh tới các khu DL của chúng tôi chiếm khoảng 25% tổng lượng khách trong năm”.
Có thể thấy, để hiện thực hóa những cam kết trong chương trình hợp tác phát triển DL, hai địa phương đã có những việc làm cụ thể, thiết thực như: tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm nhằm giúp nhau nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hoạt động DL; phối hợp tổ chức khảo sát các tuyến DL và đưa vào chương trình tour để giới thiệu cho du khách. Sự phối hợp, hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp DL của hai địa phương ngày càng chặt chẽ. Cụ thể như: Saigontourist và Chi nhánh Công ty TNHH DL Tân Hồng tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp để tổ chức đón tiếp, phục vụ du khách tàu biển đến Khánh Hòa; các đơn vị lữ hành lớn của TP. Hồ Chí Minh phối hợp đưa khách đến những khách sạn có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Nhiều đơn vị lữ hành lớn của TP. Hồ Chí Minh đặt chi nhánh tại Nha Trang. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch của hai địa phương đã chủ trì, phối hợp tổ chức các đoàn famtrip khảo sát, tìm hiểu thị trường, giới thiệu các điểm, tuyến DL, sản phẩm DL mới và các cơ hội đầu tư tại Khánh Hòa. Nhiều dự án do nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh xây dựng và đưa vào hoạt động kinh doanh như: Khu du lịch Suối khoáng nóng Tháp Bà, Khách sạn Yasaka-Sàigòn-Nhatrang, Novotel Nha Trang, Havana Nha Trang, khu liên hợp khách sạn Intercontinental Nha Trang, Khu DL Hòn Tằm Merper… đã góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu DL Nha Trang - Khánh Hòa.
Còn nhiều việc cần làm
Theo ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và DL, qua thời gian triển khai thực hiện chương trình hợp tác phát triển DL, hai bên đều đảm bảo mục đích và các nguyên tắc trong hợp tác. Công tác xúc tiến, quảng bá DL ngày càng được phối hợp chặt chẽ hơn; số lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng đông; thu hút nhiều nhà đầu tư đến hai địa phương; cán bộ, lao động phục vụ trong ngành DL được quan tâm, hỗ trợ đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ… Có được những điều đó là nhờ sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành, cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ trong liên kết, hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp DL của hai địa phương.
Tuy nhiên, nếu khách quan nhìn nhận thì kết quả của sự hợp tác trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển DL của hai địa phương. Nhiều nội dung cam kết chưa được triển khai như: Công tác xúc tiến quảng bá vẫn hạn chế, chưa xây dựng được hình ảnh DL chung của hai địa phương để giới thiệu trên các phương tiện truyền thông; việc nghiên cứu tổ chức chương trình quảng bá DL chung hai địa phương tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là các thị trường tiềm năng (như: Nga, Nhật, Hàn, Trung Quốc...) chưa có sự gắn kết chặt chẽ. Mặt khác, chưa tổ chức các buổi giới thiệu những dự án kêu gọi đầu tư của hai địa phương cho các nhà đầu tư trong vùng và quốc tế; công tác đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá, tham gia hội chợ triển lãm chưa được quan tâm đúng mức…
Theo ông Trương Đăng Tuyến: “Để chương trình hợp tác giữa 2 địa phương thực sự hiệu quả, thiết thực, toàn diện, điều nhất thiết là phải chú trọng khắc phục những hạn chế trên. Bên cạnh đó, phải mở ra những hướng đi, giải pháp nhằm thắt chặt hơn mối hợp tác, liên kết vốn có”.
Nhân Tâm