Nằm cách trung tâm thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) chừng 40km về hướng Đông, xã đảo Ninh Vân ẩn trong mình vẻ bình yên, giản dị. Đây là điểm du lịch homestay (du lịch ở nhà dân) thích hợp với những ai ưa tìm hiểu điều mới lạ.
Nằm cách trung tâm thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) chừng 40km về hướng Đông, xã đảo Ninh Vân ẩn trong mình vẻ bình yên, giản dị. Đây là điểm du lịch homestay (du lịch ở nhà dân) thích hợp với những ai ưa tìm hiểu điều mới lạ.
Ninh Vân - điểm du lịch homestay |
Xã Ninh Vân nằm ở một vùng bán đảo, nhưng từ xưa người dân vẫn quen gọi là “xã đảo”. Trước năm 2009, muốn đến Ninh Vân chỉ có đi bằng đường biển. Từ năm 2009, tuyến đường bộ băng qua dãy Hòn Hèo được đầu tư xây dựng đã mở ra cơ hội giao lưu, phát triển kinh tế cho người dân nơi đây. Trên tuyến đường đèo quanh co uốn lượn đến Ninh Vân, du khách có dịp ngắm cảnh sắc tuyệt đẹp. Một bên là núi rừng xanh thẳm, một bên là bờ biển sóng vỗ dạt dào, thỉnh thoảng xuất hiện những bãi cát trắng phau hay những ghềnh đá có hình thù lạ mắt. Càng đi, du khách như cảm thấy lâng lâng bởi sự lạ lẫm của cảnh sắc, vẻ yên tĩnh và không khí trong lành. Bạn Nguyễn Kim Phúc (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) tâm sự: “Thật không thể ngờ, mới đi xa đô thị 40km mà tưởng như đã đi đến một chốn nào xa xôi lắm. Ở đây, dường như bao lo toan đời thường trong tôi đều tan biến”.
Đến cuối chặng đường đèo, xã đảo Ninh Vân dần hiện ra trong tầm mắt. Những mái nhà san sát nhau được bao quanh là núi và biển. Ấn tượng đầu tiên khi đứng từ trên cao nhìn xuống làng biển Ninh Vân chính là những cánh đồng tỏi được chia theo từng ô nhỏ rất đẹp mắt, phía xa xa là những chiếc thuyền đang dập dềnh theo từng con sóng.
Ở Ninh Vân chưa có dịch vụ cho thuê nhà nghỉ, nên sau khi đến nơi, chúng tôi phải xin các hộ dân cho nghỉ nhờ qua đêm. Điều làm chúng tôi thật bất ngờ là gần như nhà nào cũng gật đầu đồng ý. Anh Trần Duy Tân - người dân ở đây chia sẻ: “Có khách đến ở càng vui, hẹp nhà hẹp cửa chứ dân ở đây không hẹp lòng...”. Sau khi thu xếp chỗ nghỉ, chúng tôi tranh thủ thời gian đi khám phá Ninh Vân. Như bao làng biển khác, người dân Ninh Vân sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, nhất là nghề nuôi tôm hùm. Ở xã cũng có nhiều lò nước mắm ngon nức tiếng. Đặc biệt, gần 10 năm trở lại đây, người dân Ninh Vân có thêm nghề trồng tỏi. Nghề này đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi cùng ăn và sinh hoạt với người dân đảo. Chúng tôi đã cảm nhận được hết vẻ thân thiện, chất phác của người dân khi họ nhanh chóng tạo cho du khách cảm giác tự nhiên như đang ở nhà mình. Chúng tôi được vợ chồng anh Tân đãi một nồi lẩu mực với cách nấu khá lạ, khi ăn vào cảm nhận được vị cay nồng, chua chua ngọt ngọt, nhất là độ giòn ngon của những miếng mực tươi vừa được đánh bắt từ biển. Đơn giản vậy thôi, nhưng cũng đủ để khách phương xa mãi nhớ. Sau bữa cơm, chúng tôi quây quần bên ấm trà nóng để nghe chủ nhà kể về chuyện làng, chuyện mưu sinh... Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm để kịp nhìn cảnh bình minh trên biển. Chúng tôi đi ra cầu tàu hòa chung không khí nhộn nhịp nơi đây với những chiếc ghe đánh cá cập bến mang về sản vật từ biển khơi.
Đến Ninh Vân, du khách còn có thể đắm mình trong làn nước trong xanh ở các bãi biển còn nguyên sơ như: Bãi Chướng, Bãi Bàng, Bãi Bé, Bãi Nhỏ. Đi thăm chợ xã Ninh Vân vào lúc sáng sớm và cùng nhau thưởng thức những tô bánh canh, bún cá nóng hổi được các cô, các mẹ nơi đây chế biến khéo léo... cũng là một trải nghiệm thú vị. Một địa chỉ không thể bỏ qua khi đến Ninh Vân chính là di tích cấp quốc gia Tàu không số 235. Nếu có thời gian, bạn cũng có thể đi khám phá khu rừng Hòn Hèo để có cơ hội nhìn thấy loài vọc chà vá chân đen; hoặc cùng hòa mình vào không khí lao động của người dân nơi đây trên những cánh đồng tỏi. Ông Lê Kim Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Nha Trang Trẻ nhận xét: “Ninh Vân thực sự là nơi đến một lần để nhớ mãi. Ở đây rất thích hợp với loại hình du lịch homestay. Chúng tôi đang thiết kế tour đưa khách đến đây theo hướng du lịch kết hợp với cộng đồng”.
N.T