Được xem là một trong những tour du lịch chính ở Nha Trang nhưng tour đồng quê đang giảm sút về chất lượng. Điều này đặt ra yêu cầu cho những người làm công tác quản lý cũng như doanh nghiệp làm du lịch phải giữ gìn chất lượng của tour này.
Được xem là một trong những tour du lịch (DL) chính ở Nha Trang nhưng tour đồng quê đang giảm sút về chất lượng. Điều này đặt ra yêu cầu cho những người làm công tác quản lý cũng như doanh nghiệp (DN) làm DL phải giữ gìn chất lượng của tour này.
Cảnh quê nhiều thay đổi
Nét nổi bật của tour DL đồng quê là mang đến cho du khách sản phẩm DL sinh thái gắn với đời sống sinh hoạt, văn hóa, tâm linh trong cộng đồng làng xã, dòng họ. Tuy nhiên hiện nay, không gian yên bình của làng quê đã dần bị thu hẹp bởi tốc độ đô thị hóa. Một số nghề thủ công truyền thống đã bị mai một và chỉ tồn tại trong một số ít gia đình như nghề làm lò đất nung, dệt chiếu. Cảnh quan làng quê không còn thuần túy là những cánh đồng với những con đường làng quanh co rợp bóng dừa xanh, thay vào đó là những con đường bê tông. “Trước đây, khi muốn đưa du khách đi xem cảnh cánh đồng lúa, chúng tôi thường đưa đến khu vực xã Vĩnh Thái. Nhưng bây giờ, các dự án xây dựng ngày càng nhiều nên ruộng lúa bị thu hẹp, cảnh đồng lúa bát ngát cò bay thẳng cánh cũng không còn”, ông Bùi Minh Thắng - Giám đốc Công ty DL Victory cho biết.
Du khách nước ngoài tham gia tour đồng quê rất thích thú với việc thử dệt chiếu. |
Nếu như những năm trước, chúng ta dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà vườn hàng chục năm tuổi, cây trái xanh tươi, thì bây giờ, vì nhiều lý do, những mảnh vườn ấy đã được chủ nhân tách thửa cho con cháu hoặc bán cho người ngoài. Một địa điểm thường được các DN lữ hành đưa khách tới trong tour đồng quê là nhà cổ ông Hải (thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh), nhưng hiện nay nhiều hạng mục của ngôi nhà đã bị xuống cấp. Mới đây, do căn bếp của ngôi nhà hư hỏng nặng nên gia đình ông Hải đã phá bỏ và làm một căn bếp mới theo kiểu hiện đại.
Sự thay đổi của cảnh quan làng quê theo hướng ngày càng hiện đại có thể xem là quy luật tất yếu của sự phát triển. Tuy nhiên, từ góc nhìn của những người làm DL, sự thay đổi này đã tạo áp lực không nhỏ cho những người làm tour khi muốn giới thiệu với du khách quốc tế những nét đẹp truyền thống của khung cảnh làng quê Nha Trang - Khánh Hòa.
Cần tìm hướng đi bền vững
Khi bàn đến tour DL đồng quê, một vấn đề được đặt ra chính là việc chia sẻ lợi ích trong hoạt động DL giữa DN với cộng đồng dân cư. Thực tế lâu nay, DN chỉ quan tâm đến việc làm hài lòng khách - những người bỏ tiền mua tour mà ít quan tâm đến người dân - chủ nhân của những sản phẩm DL. Đa số DN chỉ hỗ trợ người dân theo kiểu tùy lòng hảo tâm. Có DN khi dẫn khách đến nhà dân, thấy khách mua sản phẩm của gia đình thì không hỗ trợ nữa. Có DN mặc định một số kinh phí nhất định từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng cho một điểm đến và thoải mái đưa số lượng khách đến bao nhiêu tùy ý. Có DN lại làm theo kiểu mỗi năm đưa cho người dân một khoản hỗ trợ nhất định nào đó. Nhưng cũng có nhiều DN lơ luôn việc hỗ trợ này.
Bà Nguyễn Thị Đỡ - thôn Ngọc Hội (xã Vĩnh Ngọc) chia sẻ: “Người dân chúng tôi bao năm nay vẫn làm nghề dệt chiếu, giờ có khách DL đến tham quan cũng vui nên không quan trọng việc họ có hỗ trợ tiền hay không”. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng dễ tính như bà Đỡ, nhiều gia đình khi DN DL đặt vấn đề đưa khách đến đã đòi hỏi kinh phí rõ ràng. Còn trường hợp nhà cổ ông Hải, tuy được cho phép thu phí mỗi khách đến tham quan là 15.000 đồng, nếu có phục vụ trái cây là 30.000 đồng, nhưng gia đình ông Hải chỉ phục vụ khách DL tàu biển là chính. Với những đoàn khách khác, DN rất hạn chế đưa đến (có thể vì lý do thu phí).
Việc chưa có sự thỏa thuận cụ thể giữa DN DL với người dân đã dẫn đến những vấn đề bất cập. Bản thân những người làm DL nhiều khi cũng thấy ức chế. “Chúng tôi dẫn khách đến Cồn Dừa là phải uống nước dừa, dẫn khách đến xem dệt chiếu cũng phải mua chiếu, nếu không lần sau người ta không cho đưa khách tới nữa”, đại diện một DN lữ hành cho biết. Còn đối với người dân, ban đầu rất nhiều nhà hào hứng cho khách vào tham quan, nhưng nay thấy lợi ích chẳng bao nhiêu, lại mất công chuẩn bị nên từ chối. Thậm chí một số đình, chùa nằm trong tour bây giờ cũng không mặn mà với việc đón khách DL. Bởi lẽ, nhiều DN đưa khách đến chùa trùng vào thời điểm chùa làm lễ nên ảnh hưởng đến việc tu tập. Bên cạnh đó, các DN cứ mặc nhiên đưa khách tới, nhưng khi Ban quản lý các địa điểm này kêu gọi hỗ trợ kinh phí để trùng tu, sửa chữa một vài hạng mục thì DN chẳng mấy quan tâm. Trước thực tế trên, nên chăng đã đến lúc Sở Văn hóa - Thể thao và DL, Hiệp hội DL tỉnh tổ chức họp các DN lữ hành với người dân để tìm ra hướng giải quyết nhằm duy trì, giữ gìn chất lượng tour DL đồng quê theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, cần có phương án tham mưu việc bảo tồn những địa chỉ có giá trị, tránh tình trạng để người dân tự lo như hiện tại.
NHÂN TÂM