11:10, 03/10/2014

Khám phá Ninh Tây

Những ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê cùng nét văn hóa bao đời vẫn còn được người dân nơi đây lưu giữ chính là tiềm năng của loại hình du lịch cộng đồng ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Những ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê cùng nét văn hóa bao đời vẫn còn được người dân nơi đây lưu giữ chính là tiềm năng của loại hình du lịch cộng đồng ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).


Một ngày đầu tháng Mười, chúng tôi đến xã Ninh Tây (Ninh Hòa), giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Ê Đê. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà dài của mình, già làng Y Tài - thôn Buôn Đung hào hứng giới thiệu bộ chiêng của gia đình cùng những bộ trang phục thổ cẩm độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc. “Lâu lắm rồi mới có khách phương xa đến thăm nhà như thế này. Người dân chúng tôi tuy đời sống còn khó khăn, nhưng sống với nhau chân tình và rất mến khách”, già làng Y Tài tâm sự.


Trong ngôi nhà dài của già làng Y Tài, bên cạnh những vật dụng hiện đại phục vụ sinh hoạt gia đình còn có bộ chiêng 9 chiếc, những bộ trang phục truyền thống của người Ê Đê mà theo lời già Tài, chỉ mặc vào những dịp lễ hội của làng. Khi chúng tôi hỏi về những lễ hội truyền thống của dân làng ở đây, già làng Y Tài cho biết, vào mỗi dịp đầu năm mới, dân làng thường tổ chức lễ hội bến nước nhằm tạ ơn và cầu Thần nước cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống ấm no, hạnh phúc. Dịp lễ hội, những chàng trai cô gái trong những bộ trang phục truyền thống nắm tay nhau đung đưa trong vòng xoan ngày càng được nới rộng. Nét ẩm thực của đồng bào nơi đây cũng khiến chúng ta phải trầm trồ, nào là cơm lam, gà nướng ống tre và đặc biệt là món canh thụt. Đây là một loại canh được nấu bằng các loại rau rừng với thịt ba rọi trong một cái ống dài, sau khi chín được nghiền nát lại thành một hỗn hợp sền sệt. Món này ban đầu có thể khó ăn, nhưng đã ăn rồi thì nhớ mãi vị đắng, vị cay và cảm giác bùi bùi, béo béo.

 

1
Lễ hội bến nước của người Ê Đê ở xã Ninh Tây.


Khi thấy chúng tôi ngỏ ý về việc phát triển du lịch ở đây, già Tài không giấu niềm vui: “Tốt quá đi chứ, có khách du lịch đến đây thì người dân sẽ có cơ hội giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống của mình, cũng như có thể kiếm thêm thu nhập. Hiện tại, đời sống bà con chỉ trông chờ vào việc làm nương phát rẫy, vất vả mà đời sống cứ khó khăn mãi”. Trao đổi với ông Lê Xuân Tuyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Tây, được biết, hiện xã có khoảng 1.200 hộ với trên 5.000 khẩu, trong đó, trên 50% là đồng bào Ê Đê. “Việc làm du lịch ở đây lãnh đạo xã cũng đã nghĩ tới, nhưng để thực hiện được không dễ. Nếu sắp tới hoạt động này được thúc đẩy phát triển thì xã hoàn toàn ủng hộ, bởi như thế người dân sẽ có điều kiện cải thiện thu nhập”, ông Tuyên chia sẻ.


Mới đây, một số doanh nghiệp du lịch ở Nha Trang đã tổ chức chuyến khảo sát để xúc tiến việc mở tour du lịch đưa khách từ Nha Trang ra đây. Theo ông Lê Kim Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Nha Trang Trẻ, tiềm năng của các bản làng người dân tộc Ê Đê ở xã Ninh Tây rất phù hợp với loại hình du lịch cộng đồng. Du khách có thể tới đây cùng trải nghiệm, khám phá nét văn hóa truyền thống của người dân, cùng sinh hoạt, vui chơi với người dân địa phương. Từ đó mang lại lợi ích cho người dân thông qua việc sử dụng các dịch vụ, mua sắm các mặt hàng lưu niệm... góp phần tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc cho người dân. “Qua chuyến khảo sát, chúng tôi chọn được địa điểm để tổ chức “Chương trình giao lưu văn hóa dân tộc Ê Đê”. Vấn đề an ninh, trật tự, y tế cũng đảm bảo và khá thuận lợi. Đặc biệt ở đây rất phù hợp với không gian văn hóa cồng chiêng, giúp du khách gần gũi với người dân hơn”, ông Nhựt chia sẻ.


Theo dự kiến của đoàn khảo sát, đầu tháng 12-2014 sẽ xúc tiến đưa khách đi tour này. Đối tượng khách được chú trọng gồm các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; khách nước ngoài... Lịch trình tour dự kiến diễn ra trong 1 ngày từ Nha Trang khởi hành đi Dốc Lết, thăm làng dệt chiếu cói Mỹ Trạch, đến Khu du lịch White Sand Dốc Lết để du khách tắm biển, ăn trưa. Sau đó đến tham quan Chùa Bà Hải Nam, Lăng Bà Vú. Và điểm đến sau cùng làng dân tộc Ê Đê ở xã Ninh Tây. Tại đây, du khách sẽ đi tham quan không gian văn hóa, lịch sử của dân tộc Ê Đê từ trang phục đến lễ hội và cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây. Bữa tối sẽ thưởng thức các món ăn đặc trưng của đồng bào Ê Đê, xem biểu diễn cồng chiêng và giao lưu văn nghệ với nam thanh nữ tú trong làng.


Có thể nói, đánh thức miền Tây Ninh Hòa bằng hoạt động du lịch là việc làm nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm khi triển khai hoạt động du lịch ở đây là phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, cùng với đó là gìn giữ môi trường sống, môi trường văn hóa của người dân nơi đây.


Nhân Tâm