10:09, 26/09/2014

Phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch

Đề tài "Nghiên cứu phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ Du lịch Khánh Hòa" do bà Phan Thanh Trúc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm chủ nhiệm, vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu loại khá.

Đề tài “Nghiên cứu phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ  (TCMN) phục vụ Du lịch (DL) Khánh Hòa” do bà Phan Thanh Trúc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và DL làm chủ nhiệm, vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu loại khá. Đề tài đã đánh giá hiện trạng các nghề, sản phẩm TCMN phục vụ DL; đề xuất các giải pháp nhằm phát triển các sản phẩm TCMN phục vụ DL trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2020.


Chưa có sản phẩm đặc trưng của địa phương


Các sản phẩm TCMN làm quà lưu niệm không thể thiếu trong chuyến tham quan của khách, làm phong phú các loại hình, sản phẩm phục vụ DL địa phương, tăng thu nhập cho hoạt động kinh doanh DL… Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu: Sản phẩm TCMN được sản xuất trên địa bàn tỉnh khá phong phú, đa dạng: đan thêu, mỹ nghệ từ gỗ, vỏ ốc, chiếu cói, gốm, đá, gỗ, mây, tre, nứa, song mây, sản phẩm từ trầm hương, dừa, từ cá sấu, đà điểu như ví da, nịt, trứng, giỏ xách… Bên cạnh đó, một số sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cũng có thể coi là sản phẩm TCMN phục vụ DL độc đáo như nỏ, cung tên, gùi…


Tuy nhiên, điểm hạn chế của sản phẩm TCMN trên địa bàn tỉnh là mẫu mã chậm đổi mới, sao chép, ít sáng tạo, thiếu đồng bộ, không có sự độc đáo và trùng lắp với địa phương khác. Thậm chí, có hàng nhái kém phẩm chất làm ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của các cơ sở sản xuất. Điểm hạn chế lớn nhất là chưa có sản phẩm đặc trưng của địa phương. Trên địa bàn tỉnh chưa có mô hình điểm đến về sản xuất sản phẩm TCMN mà chỉ đủ điều kiện làm điểm tham quan như: làm gốm Lư Cấm (Ngọc Hiệp, Nha Trang), dệt chiếu cói ở Ngọc Hội (Vĩnh Ngọc, Nha Trang)…

 

Khách du lịch xem hàng lưu niệm.
Khách du lịch xem hàng lưu niệm.


Để sản phẩm TCMN được du khách mua làm quà lưu niệm, theo các thành viên Hội đồng, sản phẩm phải nhỏ xinh, gọn nhẹ, độc đáo, mang dấu ấn, đặc trưng của điểm đến. “Du khách khó mà mang cục đá mỹ nghệ to nặng hay cái gùi cồng kềnh làm quà” - đại diện một đơn vị DL nhận xét.


Các giải pháp phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ


Nhóm thực hiện đề tài đã xây dựng một số nhóm giải pháp để phát triển các sản phẩm TCMN phục vụ DL. Về cơ chế chính sách, UBND tỉnh Khánh Hòa cần ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh TCMN làm đồ lưu niệm, quà tặng. Về quy hoạch, cần hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu để cung cấp nguyên liệu ổn định cho các cơ sở sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ; xây dựng các đề án sản xuất hàng lưu niệm và tiêu dùng phục vụ dân sinh, kinh tế và DL phù hợp tình hình thực tế... Đồng thời, quảng bá, giới thiệu sản phẩm TCMN phục vụ nhu cầu mua sắm của khách DL với các yêu cầu cụ thể về nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm TCMN Khánh Hòa, xây dựng chính sách giá cạnh tranh, hoàn thiện hệ thống phân phối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.


Bên cạnh đó, nhóm thực hiện đề tài cũng xây dựng các nhóm giải pháp về áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất các sản phẩm TCMN phục vụ DL; liên kết giữa cơ sở sản xuất hàng TCMN với các doanh nghiệp DL và khách DL. Cùng với đó là giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ DL (thông qua đào tạo bồi dưỡng nâng cao tay nghề thợ thủ công và hướng dẫn viên tham quan các làng nghề cũng như thuyết minh tại chỗ) và nhóm giải pháp về tổ chức quản lý.


Nhóm thực hiện đề tài kiến nghị UBND tỉnh cần có những chủ trương, chính sách mới trong phát triển các làng nghề, cơ sở sản xuất và bán hàng TCMN gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, DL nói riêng. Đồng thời, cho phép đầu tư, chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng phòng trưng bày các sản phẩm TCMN của địa phương tại TP. Nha Trang để giới thiệu, quảng bá và bán hàng cho khách DL…


Tuy nhiên, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu đề tài cho rằng, nhóm thực hiện đề tài cần tập trung đánh giá việc triển khai các chính sách phát triển TCMN trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở phân tích kết quả đạt được, chỉ ra những vướng mắc để đề xuất các giải pháp khả thi, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, đề tài cũng cần đánh giá sâu hơn về hiệu quả kinh tế trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là thị trường đầu ra cho sản phẩm TCMN…


N.D