Kho tàng địa danh lịch sử, văn hóa của vùng đất Khánh Hòa là nguồn tài nguyên vô tận đối với hoạt động du lịch. Tuy nhiên, phát huy điều này như thế nào vẫn còn là bài toán chưa có đáp án.
Kho tàng địa danh lịch sử, văn hóa của vùng đất Khánh Hòa là nguồn tài nguyên vô tận đối với hoạt động du lịch. Tuy nhiên, phát huy điều này như thế nào vẫn còn là bài toán chưa có đáp án.
Nguồn tài nguyên du lịch
Mới đây, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức hội thảo khoa học “Địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu tỉnh Khánh Hòa phục vụ giáo dục truyền thống và quảng bá phát triển du lịch”. Qua đó, vấn đề khai thác, phát huy hiệu quả giá trị các địa danh tiêu biểu vào hoạt động du lịch đã được các đại biểu quan tâm, đưa ra những kiến nghị, giải pháp.
Theo số liệu thống kê của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh có 1.089 di tích và có dấu hiệu di tích thuộc loại hình di sản văn hóa vật thể, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia; 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cùng với các di sản vật thể, phi vật thể, Khánh Hòa còn có tiềm năng, thế mạnh về các địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu. Trong đó, có nhiều địa danh tỏ rõ ưu thế đối với hoạt động du lịch như: Địa danh tàu không số 235 ở xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa), cụm địa danh văn hóa vịnh Vân Phong - Dốc Lết, khu quần thể địa danh đầm Nha Phu, danh thắng Hòn Chồng, di tích Tháp Bà Ponagar, vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh.
Di tích Tháp Bà Ponagar - một trong số ít các địa danh tiêu biểu phát huy được giá trị trong hoạt động du lịch. |
Tìm hiểu kỹ hơn, chúng ta thấy các địa danh tiêu biểu ở Khánh Hòa có 3 loại chính: Địa danh văn hóa với các di chỉ khảo cổ học Xóm Cồn, Dốc Gạo, Hòa Diêm, Diên Sơn...; địa danh lịch sử gồm có TP. Nha Trang, thành Diên Khánh, phủ đường Ninh Hòa, căn cứ địa Hòn Dù, Hòn Dữ, Đồng Bò, Hòn Thị...; địa danh thuộc danh thắng như: vịnh Nha Trang, Mũi Đôi - Hòn Đầu, Hòn Chồng - Hòn Đỏ, vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong... Theo Thạc sĩ Lê Văn Hoa - Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Khánh Hòa với 3 địa danh nổi tiếng: Vân Phong - Nha Trang - Cam Ranh được ví như tam giác phát triển bền vững, cùng kết nối và tạo động lực thúc đẩy chung toàn tỉnh. Từ đây, có thể hình thành các mô hình du lịch biển quốc tế và thực tế đang được đầu tư để trở thành địa danh du lịch cao cấp trong tương lai.
Đẩy mạnh quảng bá
Bà Nguyễn Thị Kiều - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa: Phát huy giá trị là phải tạo ra sản phẩm truyền thống đặc trưng, mang lại niềm tự hào của những con người được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này; tạo ra những sản phẩm của ngành công nghiệp du lịch, mang lại sự ngưỡng mộ và lời hẹn quay trở lại của khách phương xa. Từ đó, tạo thương hiệu, vị thế, cơ hội phát triển cho địa phương. |
Tuy nguồn tài nguyên phong phú nhưng hoạt động du lịch hướng đến các địa danh tiêu biểu vẫn còn những hạn chế. Số lượng các địa danh thu hút được khách lui tới thường xuyên trên địa bàn tỉnh chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Di tích Tháp Bà Ponagar, danh thắng Hòn Chồng, vịnh Nha Trang, Dốc Lết là những địa chỉ khá quen thuộc với du khách. “Thực trạng về sự gắn kết giữa phát triển du lịch với bảo tồn di sản, địa danh tiêu biểu còn nhiều hạn chế. Điều đáng quan tâm là phương thức khai thác du lịch chưa thích hợp, thiếu đồng bộ, thiếu sức cạnh tranh. Doanh nghiệp du lịch vẫn còn ít quan tâm đóng góp đầu tư cho văn hóa. Trong khi đó, các địa phương khác như: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên đã có sự quan tâm nhất định đối với hoạt động du lịch gắn với các địa danh tiêu biểu”. Thạc sĩ Lê Văn Hoa chia sẻ.
Từ thực trạng đó, ông Nguyễn Văn Thích - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho rằng, các doanh nghiệp du lịch cần xây dựng tour, tuyến du lịch như: Tour tham quan, học tập, giáo dục truyền thống tại các địa danh lịch sử trong phong trào Cần Vương; sự kiện Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến; những địa danh gắn với các trận đánh tiêu biểu trong kháng chiến chống thực dân Pháp; địa danh gắn với sự kiện Tết Mậu Thân 1968; tham quan các địa danh gắn với tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana Thánh Mẫu... Còn ông Nguyễn Thọ, Trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác thông tin, quảng bá địa danh lịch sử, văn hóa để góp phần phát triển du lịch. Cụ thể, đối với tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần có cơ chế, chính sách phù hợp, đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá bằng các lễ hội, sự kiện thể thao, phát hành thêm nhiều ấn phẩm văn hóa, nâng cao chất lượng về sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Có thể thấy, với lợi thế về điều kiện thiên nhiên, cảnh quan môi trường cùng những giá trị lịch sử, văn hóa, Khánh Hòa hoàn toàn có thể phát huy được những giá trị vô hình và hữu hình của các địa danh tiêu biểu. Điều quan trọng, chúng ta cần có cách tiếp cận, khai thác như thế nào để đạt hiệu quả. Đã đến lúc các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch cần ngồi với nhau để tìm cách khai thác tối ưu nguồn tài nguyên du lịch này.
Giang Đình