10:04, 11/04/2014

Niềm đam mê của 3 siêu đầu bếp

Có dịp nghe 3 siêu đầu bếp: David Thái, Michael Huỳnh Bảo và Nguyễn Văn Tú kể về chặng đường đến với nghề bếp của họ mới thấy hết niềm đam mê nghề nghiệp của các đầu bếp.

Có dịp nghe 3 siêu đầu bếp: David Thái, Michael Huỳnh Bảo và Nguyễn Văn Tú kể về chặng đường đến với nghề bếp của họ mới thấy hết niềm đam mê nghề nghiệp của các đầu bếp.


Mới đây, khách sạn Sunrise (Nha Trang) tổ chức buổi gặp gỡ giữa 3 siêu đầu bếp: David Thái, Michael Huỳnh Bảo và Nguyễn Văn Tú. Thực khách có mặt đã được giao lưu, thưởng thức các món ăn và nghe những chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề của các đầu bếp.


Đường tới nghề bếp


Siêu đầu bếp Michael Huỳnh Bảo mở đầu câu chuyện bằng những kỷ niệm thời thơ ấu. “Tôi tiếp xúc với nghề bếp từ nhỏ. Thuở ấy, gia đình tôi có 1 quán ăn ở Sài Gòn, nên từ sáng sớm ba mẹ đã đánh thức tôi dậy để phụ giúp. Tôi mê nấu ăn từ ngày ấy, đồ chơi của tôi thuở bé chỉ toàn là các dụng cụ làm bánh, cắt tỉa củ quả. Năm 10 tuổi, tôi đã biết làm bánh patéchaud, bánh bao”. Qua Mỹ học kiến trúc sư, nhưng anh Bảo vẫn luôn đau đáu tìm cơ hội để làm bếp, theo đuổi đam mê của mình. “Tôi học kiến trúc sư với mục đích đi làm kiếm tiền để có thể mở một nhà hàng riêng của mình. Và ông trời đã không phụ công, sau bao năm ấp ủ, nhà hàng “Bảo 111” đã ra đời ở New York, kể từ đó tôi dành hết thời gian cho nhà hàng và niềm đam mê ẩm thực của mình”.

 

3 siêu đầu bếp hội ngộ tại Nha Trang (từ trái qua: siêu đầu bếp David Thái,  Nguyễn Văn Tú, Michael Huỳnh Bảo).
3 siêu đầu bếp hội ngộ tại Nha Trang (từ trái qua: siêu đầu bếp David Thái, Nguyễn Văn Tú, Michael Huỳnh Bảo).


Không được may mắn như Michael Huỳnh Bảo, siêu đầu bếp David Thái có một tuổi thơ vất vả. “Từ năm 4 tuổi, tôi đã mồ côi cha mẹ và rời Việt Nam sang Pháp ở với người cậu ruột. Cậu tôi đã phải lao động cật lực để nuôi con và các cháu với ước mong tất cả được nên người. Qua tìm hiểu, cậu tôi quyết định mở nhà hàng Việt Nam để có nguồn thu nhập tốt hơn. Ngày ấy, mọi thành viên trong nhà đều phải lao vào làm việc để tiết giảm chi phí và tôi cũng không ngoại lệ. Duyên nghề của tôi đã bén từ những ngày đó”. Công việc bếp núc của David Thái bắt đầu từ những việc như bưng bê, lột hành, rửa củ và dọn dẹp lau chùi. Một lần, anh san một ít chạo tôm nhúng vào dầu và ướp trong tủ đá, mấy ngày sau lấy ra chiên thử. Món chạo trở nên ngon hơn với hương vị đặc trưng. Người cậu đã bảo với anh “Con hãy học nghề bếp đi”. Từ đó, anh tự tin theo đuổi niềm đam mê của mình.


Trong khi đó, con đường đến với nghề bếp của siêu đầu bếp Nguyễn Văn Tú muộn hơn. “Năm 1996, khi đang học cấp 3 thì tôi quyết định bỏ dở để học nghề bếp. Gia đình không ai ủng hộ việc đó, nhưng vì quá mê nghề này và tôi cũng thấy được tương lai của nghề nên cố gắng thuyết phục bố mẹ”. Với niềm đam mê đó, siêu đầu bếp Nguyễn Văn Tú đã phải vừa học, vừa làm. Buổi sáng anh đi rửa chén bát cho nhà hàng, buổi chiều học làm bếp và buổi tối phụ bếp. Những tháng ngày vất vả đó đã cho anh rất nhiều kinh nghiệm. Sau khi học xong ở trường dạy nấu ăn, anh đã có thể tự tin làm bếp trưởng của một nhà hàng lớn ở Hà Nội.


Đưa ẩm thực Việt ra thế giới

 

Các giải thưởng danh giá của 3 siêu đầu bếp: Năm 2003, siêu đầu bếp Michael Huỳnh Bảo được Thời báo New York bình chọn là Đầu bếp xuất sắc nhất New York; năm 2005, siêu đầu bếp David Thái tham gia chương trình  ẩm thực toàn cầu và vinh dự đoạt huy chương vàng đầu bếp quốc tế. Tổ chức Ẩm thực Thế giới phong tặng anh danh hiệu cao quý “Đại sứ món ăn Việt Nam”; năm 2012, siêu đầu bếp Nguyễn Văn Tú đoạt giải nhất cuộc thi siêu đầu bếp Thái Lan.

Phong cách ẩm thực mà cả 3 siêu đầu bếp này theo đuổi là những món ăn châu Âu, và mỗi người đều đã gặt hái được những thành công riêng. Tuy nhiên, từ trong sâu thẳm, họ vẫn luôn trăn trở với ẩm thực Việt, mong muốn đưa ẩm thực Việt đến gần hơn với thực khách quốc tế. “Ẩm thực cũng là một kênh quảng bá về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Bởi qua đó, bạn bè quốc tế sẽ hiểu thêm về nét văn hóa, sự tinh tế của người Việt”, siêu đầu bếp Michael Huỳnh Bảo chia sẻ. Với tâm niệm đó, nên khi có cơ hội mở nhà hàng Việt của mình ở Mỹ, siêu đầu bếp Michael Huỳnh Bảo đã chủ ý tìm địa điểm mở nhà hàng phải tách rời các khu phố có nhà hàng Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. “Tôi thấy ở Mỹ có rất nhiều thực khách nhầm lẫn món ăn Việt ở các nhà hàng Việt với món ăn Tàu, Thái bởi đơn giản vì các nhà hàng đó gần nhau. Vì thế, tôi chọn vị trí tách rời để mọi người nhận thức ngay từ đầu là mình đang đi ăn món ăn Việt Nam”.

Với siêu đầu bếp David Thái, khi được đề nghị sang Dubai để xây dựng một nhà hàng với các món Việt thuần túy, anh xem đó là cơ hội tốt. Với sự  sáng tạo của anh, ngay lập tức các món ăn Việt ở đây đã được đông đảo thực khách khen ngợi. “Mình là người Việt Nam nên mình có những hiểu biết về món ăn Việt khá tường tận. Ẩm thực Việt Nam luôn được đánh giá là độc đáo, tinh tế, nhưng lại chưa sánh được với các nước khác ở châu Á. Theo tôi đó là bởi ẩm thực Việt còn thiếu sự quảng bá cần thiết”, siêu đầu bếp David Thái chia sẻ. Với tâm huyết và trách nhiệm của mình, khi có cơ hội, siêu đầu bếp David Thái luôn đưa các món ăn Việt vào trong những thực đơn tiệc ở các nhà hàng sang trọng do anh làm bếp trưởng. Và anh thường sử dụng rất nhiều các loại rau gia vị Việt Nam như bạc hà, húng quế, sả... trong các món ăn do mình chế biến.   


Những ai quan tâm đến ẩm thực chắc hẳn còn nhớ hình ảnh siêu đầu bếp Nguyễn Văn Tú tại cuộc thi siêu đầu bếp Thái Lan năm 2012. Lúc đó, “cuộc chiến” giữa anh với đầu bếp Thái Lan cân tài cân sức cho đến phần thi món tráng miệng. “Để làm món tráng miệng, tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều, làm sao sử dụng được nguyên liệu Việt Nam vào món ăn. Và tôi đã quyết định chọn tổ yến sào được mua từ Nha Trang cho món ăn của mình. Khi tôi đưa món chè yến ra, tất cả thành viên ban giám khảo đều ngạc nhiên và cho tôi điểm số tuyệt đối”, siêu đầu bếp Nguyễn Văn Tú nhớ lại. Cũng theo anh, các món ăn Việt đều rất hài hòa, tinh tế, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe và nhất là hợp với xu hướng ẩm thực hiện đại. Điều đó là một lợi thế để giới thiệu, quảng bá ẩm thực Việt với thế giới.


Nhân Tâm