11:04, 15/04/2014

Giải pháp du lịch an toàn cho trẻ em

Những năm vừa qua, Du lịch Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế đất nước. Năm 2013, Việt Nam đã đón trên 7,57 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,6%, phục vụ 35 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 7,7% so với năm 2012,....

Những năm vừa qua, Du lịch Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế đất nước. Năm 2013, Việt Nam đã đón trên 7,57 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,6%, phục vụ 35 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 7,7% so với năm 2012, tổng thu từ khách du lịch đạt 200.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2012. Ngoài ra, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật về du lịch cũng được đầu tư cải thiện.


Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển du lịch là nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên như ô nhiễm môi trường tại điểm đến, làm giảm đi sức hấp dẫn của cảnh quan đối với khách du lịch. Bên cạnh đó, đối với môi trường xã hội là nguy cơ xuất hiện loại hình du lịch tình dục, đặc biệt là du lịch tình dục trẻ em.


Tại Việt Nam, việc xâm hại tình dục trẻ em thông qua con đường du lịch đã xuất hiện gắn với lượng khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng. Trẻ em trai và gái đều có thể trở thành nạn nhân của một số hình thức xâm hại và bóc lột khác nhau tại các điểm đến du lịch, nhất là với các đối tượng trẻ em như ăn xin; bán hàng rong hoặc biểu diễn trên đường phố, làm việc trong môi trường không an toàn. Hoạt động du lịch và lữ hành cũng có thể làm tăng khả năng tiếp cận với các trẻ em dễ tổn thương thông qua các hình thức rất nhân văn như thăm trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, du lịch tình nguyện, du lịch tại gia. Vì vậy, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là xây dựng môi trường du lịch an toàn cho trẻ em, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại.


Với mục đích trên, thời gian vừa qua, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision) tổ chức Hội nghị tập huấn về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch nhằm giới thiệu một cách hệ thống những nội dung liên quan về hoạt động bảo vệ trẻ em không bị buôn bán, xâm hại và bóc lột trong hoạt động du lịch. Theo đó, những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần phải hiểu tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ; bóc lột trẻ em là vi phạm pháp luật, trên thế giới và tại Việt Nam, pháp luật đã có những quy định rõ ràng về việc bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức xâm hại và bóc lột. Không những vậy, bảo vệ trẻ em sẽ mang lại nhiều lợi ích cho lĩnh vực du lịch, thu hút được nhiều khách du lịch có trách nhiệm, nâng cao chất lượng của dịch vụ du lịch, bảo vệ danh tiếng của các điểm đến du lịch và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.


Để xây dựng được môi trường du lịch an toàn cho trẻ em, cần sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân nói riêng và cả cộng đồng xã hội nói chung. Những việc làm hàng ngày có thể bảo vệ trẻ em trước nguy cơ xâm hại như tôn trọng trẻ; nâng cao nhận thức của bản thân, chia sẻ những nguy cơ đối với trẻ em; luôn đề cao cảnh giác với môi trường xung quanh, phát hiện những tình huống mà trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hay bóc lột và lên tiếng khi chứng kiến trẻ bị xâm hại hay bóc lột.


P.V (Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam)

 


Dự án Tuổi thơ - Chương trình phòng ngừa xâm hại trẻ em trong hoạt động du lịch là một sáng kiến của Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (AusAID) do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới thực hiện, nhằm mục đích trang bị những thông tin và kiến thức đơn giản nhất để trở thành những khách du lịch, lữ hành an toàn với trẻ em.


Dự án được triển khai tại 4 nước Tiểu vùng sông Mê Kông bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào. Giai đoạn 1 được triển khai từ năm 2011 đến năm 2014.


Theo một điều tra gần đây của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, khách du lịch và lữ hành tới khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông ưa thích những doanh nghiệp có trách nhiệm bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức xâm hại và bóc lột. Vì vậy hãy ủng hộ chiến dịch Du lịch an toàn với trẻ em và cung cấp thông tin cần thiết cho khách hàng để họ trở thành một Khách du lịch bảo vệ trẻ em.


Những hành động để trở thành một khách du lịch bảo vệ trẻ em:


HÀNH ĐỘNG 1: Không tiếp cận trẻ em để mua hàng hóa, dịch vụ, không cho tiền trẻ ăn xin.


HÀNH ĐỘNG 2: Không chụp ảnh trẻ em nếu cha, mẹ hoặc người giám hộ không cho phép.


HÀNH ĐỘNG 3: Không dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em vì mục đích du lịch tình dục.


HÀNH ĐỘNG 4: Không nhờ môi giới bóc lột tình dục trẻ em.


HÀNH ĐỘNG 5: Lựa chọn cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch có cam kết bảo vệ trẻ em.


HÀNH ĐỘNG 6: Nếu bạn thấy trẻ em nào có nguy cơ bị xâm hại tình dục hãy báo ngay cho người quản lý, chính quyền địa phương, công an hoặc gọi số điện thoại 18001567 (miễn phí, hoạt động 24/24 giờ).