11:02, 14/02/2014

Nâng tầm thương hiệu du lịch xứ Trầm

Là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa, những năm qua, ngành Du lịch đã có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay ngành vẫn còn những hạn chế cần sớm có lời giải.

Là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa, những năm qua, ngành Du lịch đã có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay ngành vẫn còn những hạn chế cần sớm có lời giải.


Năm 2013 được đánh giá là năm thành công của ngành Du lịch Khánh Hòa. Tổng doanh thu hơn 3.950 tỷ đồng, lượt khách lưu trú hơn 3 triệu lượt (trong đó có 708.000 lượt khách quốc tế), tổng số phòng đặt 14.949 phòng. Trên cơ sở những kết quả đạt được, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào việc đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra trong Chương trình hành động du lịch Khánh Hòa 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Tuy nhiên, để không ngừng nâng cao chất lượng, uy tín, thương hiệu của du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, ngành Du lịch, cũng như các cấp, ngành, địa phương cần có sự quan tâm nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế của ngành.


Mới đây, trong cuộc họp của các thành viên Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, bà Phan Thanh Trúc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thừa nhận: “Hoạt động du lịch địa phương còn có một số khó khăn, tồn tại cần được tiếp tục quan tâm, giải quyết, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp phù hợp để khắc phục và thực hiện có hiệu quả trong những năm tới. Cần gắn du lịch với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chương trình hành động quốc gia về du lịch, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam”. Những khó khăn, tồn tại mà bà Trúc nhắc tới, đó là cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phát triển chưa cân đối, địa bàn du lịch chưa được mở rộng. Mặt khác, còn thiếu các cơ sở, loại hình dịch vụ du lịch mới, các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, nhất là dịch vụ vui chơi giải trí về đêm. Hoạt động của Hiệp hội Du lịch còn nhiều hạn chế; hoạt động lữ hành chưa xây dựng được các chương trình tham quan trọn gói có chất lượng; cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập; việc bảo vệ cảnh quan môi trường còn hạn chế; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng đủ cả về số lượng lẫn chất lượng...

 

1
Du khách tham quan Tháp Bà Ponagar.
 


Theo đồng chí Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, không chỉ làm lợi trực tiếp cho những doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch mà còn tạo nguồn thu rất lớn trong dân, tạo điều kiện an sinh xã hội rất tốt. Vì vậy, để tháo gỡ những khó khăn hiện tại của ngành Du lịch, nhất thiết phải có sự vào cuộc từ nhiều phía, kể cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn người dân”. Trên tinh thần đó, để du lịch Khánh Hòa hoàn thiện hơn trong cái nhìn của du khách, các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm tháo gỡ những khó khăn hiện tại. Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác quản lý ngành. Nên có sự điều tra, tìm hiểu kỹ để có đánh giá chính xác về những sản phẩm du lịch đã có, đồng thời nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch mới. Hoạt động lữ hành, nhất là lữ hành quốc tế cần quản lý chặt chẽ hơn, tránh những sai phạm như đã xảy ra trong thời gian qua. Công tác xúc tiến du lịch cần đạt được tiêu chí chuyên nghiệp, hiệu quả. Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cần sớm xác định được thị trường khách du lịch trọng điểm, đáp ứng được định hướng về đối tượng khách du lịch cao cấp có mức chi tiêu cao. Từ đó, chuẩn bị tốt các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của dòng khách này. Hiện toàn tỉnh có 5 cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch, nhưng cần quan tâm hơn đến số lượng, chất lượng, làm sao nguồn nhân lực được đào tạo phải phù hợp với nhu cầu thực tế, đặc biệt là ngoại ngữ.


Cùng với đó, các dự án du lịch ở khu vực Bãi Dài và các địa phương trong tỉnh cần được tiến hành rà soát lại để đảm bảo đúng tiến độ xây dựng. Việc quản lý giá cả dịch vụ du lịch cần được quan tâm, kể cả lĩnh vực vận chuyển khách, lữ hành. Vấn đề bến bãi đậu xe, chất lượng phương tiện vận tải khách du lịch, chất lượng dịch vụ vận tải cũng bức thiết.


Để hướng tới việc đạt và vượt các chỉ tiêu phấn đấu của ngành Du lịch đến năm 2020 như đón 5,2 triệu lượt khách lưu trú (với 1,4 triệu lượt khách quốc tế), doanh thu đạt 9.500 tỷ đồng, số phòng khách sạn đạt 18.000 phòng...), ngay từ bây giờ, các cấp, ngành cần sớm thực hiện những giải pháp nhằm nâng tầm, thương hiệu du lịch xứ Trầm Hương.  


GIANG ĐÌNH