11:12, 06/12/2013

Lo ngại với hướng dẫn viên du lịch ngoại

Hiện nay, rất nhiều người nước ngoài đang làm hướng dẫn viên du lịch trái phép ở Nha Trang - Khánh Hòa. Họ đưa khách đến các điểm du lịch và thoải mái thuyết minh, giới thiệu với du khách những di tích, danh lam thắng cảnh của địa phương.

Hiện nay, rất nhiều người nước ngoài đang làm hướng dẫn viên du lịch trái phép ở Nha Trang - Khánh Hòa. Họ đưa khách đến các điểm du lịch và thoải mái thuyết minh, giới thiệu với du khách những di tích, danh lam thắng cảnh của địa phương.


Thỏa sức thuyết minh


Khoảng 10 giờ ngày 1-12, chiếc xe du lịch có gắn logo của hãng lữ hành Pegas đưa khách đến khu di tích Tháp Bà Ponagar.


Khách vừa xuống xe, một nam thanh niên người nước ngoài mặc áo thun trắng, trên ngực có logo Pegas, nhanh chóng dẫn khách lên khu vực tiền đình Mandapa và thản nhiên thuyết minh cho đoàn khách. Thông qua hệ thống loa, chúng tôi biết người thanh niên này đang nói với khách bằng tiếng Nga. Theo dõi anh ta thuyết minh về khu vực Mandapa, chúng tôi thấy rất lạ vì có nhiều lúc du khách cười ồ lên, còn người hướng dẫn lại có những cử chỉ, điệu bộ khó hiểu. Sau đó, anh ta dẫn đoàn khách lên khu vực tháp chính và tiếp tục thao thao thuyết minh cho khách.


Chứng kiến cảnh đó, anh Trần Thanh Ba - du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh thắc mắc: “Người nước ngoài giới thiệu cho khách nước ngoài, họ nói những gì thế nhỉ? Sao không có hướng dẫn viên người Việt Nam thuyết minh?”. Lúc này, chúng tôi mới để ý thấy một nam thanh niên người Việt, mặc áo thun có gắn logo của Công ty Ánh Dương, đeo thẻ hướng dẫn viên du lịch. Người này chỉ đứng bên ngoài, thỉnh thoảng chụp hình giúp cho khách trong đoàn, chứ không có động thái nào thể hiện anh ta là hướng dẫn viên cho đoàn. Khi chúng tôi hỏi vì sao anh không thuyết minh mà lại để cho người nước ngoài thuyết minh cho khách? Anh ta liền nói lại điều gì đó với người hướng dẫn viên ngoại quốc. Ngay lập tức, người này tắt loa và lảng đi chỗ khác để anh người Việt tạm thời dẫn đoàn. Khi chúng tôi xuống lại khu vực Mandapa thì thấy một nữ hướng dẫn viên người nước ngoài (trang phục tương tự người hướng dẫn viên nước ngoài trên) đang thuyết minh cho một đoàn khách vừa đến cũng bằng tiếng Nga.

 

1
Hướng dẫn viên du lịch nước ngoài đang thuyết minh cho du khách tại khu di tích Tháp Bà Ponagar.

 

Theo bà Ngô Mỵ Châu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích, tại các điểm du lịch do Trung tâm quản lý như danh thắng Hòn Chồng, khu di tích Tháp Bà Ponagar hàng ngày có rất đông các đoàn khách nước ngoài đến tham quan. Tuy nhiên, rất ít đoàn sử dụng hướng dẫn viên người Việt Nam mà chủ yếu là hướng dẫn viên người nước ngoài. “Người Việt Nam mình giới thiệu về điểm du lịch, nhất là những địa điểm liên quan đến văn hóa, lịch sử nhiều khi còn vấp váp về kiến thức. Còn người nước ngoài thuyết minh làm sao chúng ta có thể kiểm chứng được họ nói đúng hay sai. Chỉ cần người ta nói sai một chi tiết nào đó có thể sẽ gây sự hiểu lầm cho du khách”, bà Ngô Mỵ Châu chia sẻ. Để cung cấp kiến thức chính thống cho du khách, trong phạm vi trách nhiệm của mình, Trung tâm Bảo tồn di tích đã cho dịch ra tiếng Anh, tiếng Nga bài hướng dẫn về Tháp Bà Ponagar và Hòn Chồng để gửi đến các doanh nghiệp du lịch.


Qua tìm hiểu của chúng tôi, trường hợp hướng dẫn viên người nước ngoài hướng dẫn cho khách ở các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh như trên không phải là hy hữu. Thông tin từ một số doanh nghiệp lữ hành cho biết, các đoàn khách nước ngoài khi đến các địa chỉ như Tháp Bà Ponagar, Hòn Chồng, Chùa Long Sơn, Nhà thờ Núi, các tour du lịch biển, đảo, đồng quê... đều chủ yếu sử dụng hướng dẫn viên du lịch nước ngoài, nhất là các đoàn khách Nga, Hàn Quốc.


Vi phạm pháp luật


Việc sử dụng hướng dẫn viên du lịch người nước ngoài đã bị cấm ở nhiều quốc gia trên thế giới. “Tôi đã đi du lịch ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc. Ở đó, với các đoàn khách nước ngoài, vai trò của hướng dẫn viên ngoại quốc chỉ dừng lại ở sân bay. Bắt đầu từ sân bay cho đến hết hành trình của mình, khách du lịch chỉ được nghe và làm theo hướng dẫn của những hướng dẫn viên du lịch bản địa”, anh Phan Thanh Lâm - đường Phương Sài (TP. Nha Trang) cho biết.


Ở nước ta cũng đã có quy định cấm các hành vi sử dụng hướng dẫn viên du lịch người nước ngoài, cấm hướng dẫn viên du lịch người nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Những tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính với mức độ khác nhau, thậm chí có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế ở Nha Trang - Khánh Hòa, tình trạng người nước ngoài  làm hướng dẫn viên du lịch và các công ty lữ hành sử dụng hướng dẫn viên du lịch người nước ngoài vẫn diễn ra phổ biến.


Theo ông Lê Quang Lịch - Chánh Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nguyên nhân của tình trạng này là do công tác kiểm tra, quản lý, xử lý vi phạm chưa triệt để. “Hiện nay, lực lượng Thanh tra Sở chỉ có 6 biên chế, nhưng lại phải giải quyết một khối lượng công việc rất lớn thuộc các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo. Vì vậy, chúng tôi không đủ lực lượng để thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực du lịch nói chung, hoạt động hướng dẫn viên du lịch nói riêng”, ông Lịch chia sẻ. Được biết, năm 2013, Thanh tra Sở chỉ kiểm tra được 23/170 đơn vị hoạt động lữ hành cả nội địa lẫn quốc tế. Những doanh nghiệp được kiểm tra đều đã ký cam kết không sử dụng hướng dẫn viên du lịch người nước ngoài ở các điểm du lịch nội địa. Nhưng con số này quá ít. Nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn cố tình phớt lờ các quy định của pháp luật, giở các chiêu trò để đối phó với lực lượng chức năng (nếu bị bắt gặp), vì thế việc xử lý vi phạm là rất khó.


Giải pháp chính của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hiện nay vẫn là tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật để nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động du lịch. Tuy nhiên, để hoạt động trên được chấn chỉnh, tránh những ảnh hưởng không tốt đến ngành Du lịch tỉnh, nên chăng cần tăng biên chế cho lực lượng thanh tra; tiếp tục tổ chức đoàn kiểm tra đến các doanh nghiệp lữ hành chưa ký cam kết về vấn đề hướng dẫn viên du lịch; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các điểm du lịch...

 

Nhân Tâm


 


- Luật Du lịch quy định về điều kiện được phép làm hướng dẫn viên cho các đoàn khách quốc tế, trong đó yêu cầu đầu tiên là phải có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ...


- Nghị định số 158 ngày 12-11-2013, của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, có nội dung thay thế Nghị định số 16 ngày 12-3-2012, của Thủ tướng Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch có hiệu lực từ ngày 30-4-2012 cũng nêu rõ: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng với các doanh nghiệp lữ hành sử dụng người nước ngoài làm hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam, phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế từ 6 tháng đến 12 tháng; phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng với hành vi người nước ngoài hoạt động hướng dẫn du lịch tại Việt Nam.