Tuần Văn hóa du lịch 2013, trong đó có hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên, được tổ chức tại Đà Lạt sắp đến sẽ là dịp để Lâm Đồng thể hiện khả năng liên kết vùng và tìm sản phẩm du lịch đặc trưng trong thực hiện chiến lược phát triển du lịch địa phương...
Tuần Văn hóa du lịch 2013, trong đó có hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên, được tổ chức tại Đà Lạt sắp đến sẽ là dịp để Lâm Đồng thể hiện khả năng liên kết vùng và tìm sản phẩm du lịch đặc trưng trong thực hiện chiến lược phát triển du lịch địa phương. Trong một vài năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam cũng đã xác định hoạt động liên kết đồng thời với phát huy thế mạnh sản phẩm đặc trưng là xu thế tất yếu của ngành du lịch Việt Nam, trong đó có du lịch Lâm Đồng.
Trong khuôn khổ của Tuần Văn hóa du lịch 2013, các nội dung hoạt động của Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên 2014 sẽ được tổ chức ở hầu khắp các tỉnh Tây Nguyên, trong đó tập trung tại Lâm Đồng - Đà Lạt; và thời gian được kéo dài từ cuối năm 2013 đến hết năm 2014. Các hoạt động này sẽ được Bộ VHTTDL phối hợp với các bộ ngành trung ương và địa phương đảm trách; đồng thời, tùy theo nhóm hoạt động, các địa phương của Tây Nguyên cũng sẽ đóng vai trò là người chủ trì trong một số hoạt động. Chỉ với tinh thần này thôi cũng đủ thấy hoạt động du lịch ngày nay đã không còn đất cho tư tưởng "cát cứ" như trước đây, mà muốn đạt hiệu quả cao về nhiều mặt thì các địa phương không thể tách rời xu thế phát triển tất yếu là liên kết.
Với Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt có thể dẫn ra đây một vài hoạt động chính thể hiện khá rõ của xu thế liên kết vùng: Liên hoan nghệ thuật thổ cẩm và trình diễn trang phục Tây Nguyên, diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc, người đẹp các dân tộc trình diễn trang phục, liên hoan hòa tấu và độc tấu nhạc cụ dân tộc, liên hoan ẩm thực khu vực miền Trung và Tây Nguyên... Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo ngành du lịch Lâm Đồng xác định: Với ngành du lịch, vấn đề liên kết phát triển là một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển theo xu thế hiện nay. Ví như, với Lâm Đồng, du lịch sinh thái là thế mạnh đáng kể nhưng nay thì mô hình này không còn là sản phẩm để Lâm Đồng, với "thương hiệu" du lịch Đà Lạt, độc chiếm như những năm cách nay khá xa. Bởi vậy, một khi các tỉnh Tây Nguyên khác đã phát triển khá mạnh mô hình này thì chắc chắn Lâm Đồng không thể "đứng riêng một mình" để hô hào "du lịch sinh thái". Hoặc như, Lâm Đồng cũng như nhiều địa phương khác của Tây Nguyên là những địa phương không có biển, cũng có nghĩa là Lâm Đồng không có được một trong những thế mạnh để phát triển du lịch nói chung. Tuy nhiên, Lâm Đồng lại là địa phương có điều kiện thuận lợi hơn trong việc "bắt tay" với những địa phương có thế mạnh về biển lân cận như Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận... để mở ra con đường du lịch "nối biển với rừng".
Du khách trong Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà |
Cùng với việc "bắt tay", xu thế khai thác thế mạnh của riêng mình còn là xu thế mà ngành du lịch mỗi địa phương đang hướng đến trong giai đoạn hiện nay và cả lâu dài. Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa du lịch 2013, không phải ngẫu nhiên mà ngành du lịch Lâm Đồng đăng cai các hoạt động mang tính đặc trưng như tổ chức các tour du lịch văn hóa - lịch sử - dã ngoại "Thiên đường của tình yêu", "Đại ngàn xanh", "Đà Lạt không ở phố",… Tương tự, các tỉnh Tây Nguyên khác cũng vào cuộc một cách "quyết liệt" bằng những phô bày thế mạnh của riêng mình như lễ hội đua voi bản Đôn, đua thuyền trên sông Krông Ana, homestay đến với voi bản Đôn... (tỉnh Đắc Lắc); khám phá thác nước Đắc Nông, đến với những thác nước hùng vĩ trên cao nguyên Mnông... (Đắc Nông); về với đại ngàn Kon Plong, lễ hội nhà rông Bana, du ngoạn sông nước Ayun Hạ... (Kon Tum); một thoáng Pleiku, vẻ đẹp Biển Hồ... (Gia Lai).
Còn với riêng Đà Lạt - nhà đăng cai tổ chức Tuần Văn hóa du lịch 2013, đâu là sản phẩm du lịch đặc thù? Điều trước tiên cần khẳng định là, với thế mạnh không phải đâu đâu cũng có, Đà Lạt hoàn toàn có quyền tự hào rằng "cái máy lạnh khổng lồ" của xứ này là sản phẩm du lịch độc đáo nhất mà du lịch Đà Lạt hào phóng tặng không cho du khách. Cùng với đó là đại ngàn thông xanh: Cây thông có mặt ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam nhưng không như nhiều nơi, với Đà Lạt, thông không chỉ là sản phẩm du lịch đặc thù mà còn là linh hồn của Đà Lạt. Cùng đó, Đà Lạt còn những hoa ôn đới, rau ôn đới...; còn những nông nghiệp công nghệ cao đứng đầu cả nước, cá nước lạnh mang lại nguồn thu nhập số một trong canh tác nông nghiệp...; còn những nét đặc trưng của văn hóa bản địa các tộc người thiểu số dưới chân núi Langbian, phong cách không lẫn vào đâu của người Đà Lạt... đủ để làm nên những sản phẩm du lịch đặc thù thu hút du khách.
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa du lịch 2013, Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt có chủ đề "Đại ngàn Tây Nguyên" với hàng loạt hoạt động sẽ được tổ chức tại Lâm Đồng và ở hầu khắp các tỉnh Tây Nguyên khác. Với chủ đề này, một trong những yêu cầu mà Bộ VHTTDL đặt ra trong thời gian sắp đến là Lâm Đồng cùng với các tỉnh Tây Nguyên khác phải tiến hành những hoạt động liên kết để xây dựng các tour và tuyến mới cùng những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của Tây Nguyên và trong khu vực để ngày càng thu hút du khách hơn nữa.
Theo Báo Lâm Đồng