10:11, 19/11/2013

Đến miền đất võ tìm lại nét xưa

Đến với Bình Định để tìm về những kỷ niệm với Hàn Mặc Tử bên bờ biển Ghềnh Ráng, hay chiến công lẫy lừng của nghĩa quân Tây Sơn nơi Bảo tàng Quang Trung, tôi càng hiểu thêm chất văn, nét võ của đất và người nơi đây.

Đến với Bình Định để tìm về những kỷ niệm với Hàn Mặc Tử bên bờ biển Ghềnh Ráng, hay chiến công lẫy lừng của nghĩa quân Tây Sơn nơi Bảo tàng Quang Trung, tôi càng hiểu thêm chất văn, nét võ của đất và người nơi đây.


Đệ nhất danh thắng đất võ


Ghềnh Ráng - một cái tên vẫn còn xa lạ với nhiều người, nhưng với người dân đất võ Bình Định thì địa danh này là một niềm tự hào. Thậm chí nhiều người đã có phần cực đoan khi cho rằng: “Đến Quy Nhơn mà không đến Ghềnh Ráng thì xem như bạn chưa rành về nơi này”. Nằm cách trung tâm TP. Quy Nhơn khoảng 3km về phía Tây Nam, Ghềnh Ráng toát lên vẻ đẹp từ sự hòa quyện tuyệt vời giữa biển trời mênh mông với núi đá thiên hình vạn trạng như một quần thể kiến trúc tuyệt mỹ của thiên nhiên. Chúng ta bắt gặp bóng dáng thân quen của hình tượng người vợ ngóng chồng qua tác phẩm nghệ thuật thiên tạo đặc sắc Hòn Chồng. Đó là những tảng đá lớn nhỏ xếp lên nhau trông rất chênh vênh, nhưng vẫn sừng sững cùng sóng biển qua bao đời. Ngay dưới chân vách đá dựng đứng là những hòn đá tròn được sóng biển mài nhẵn, xếp chồng, xếp lớp tạo thành bãi đá trứng khổng lồ. Khi đặt đôi bàn chân trần lên những viên đá tròn, nhẵn như trứng chim ấy, cảm giác thư thái sẽ lan tỏa trong cơ thể bạn.

 

Bãi biển Tiên Sa nhìn từ đồi Thi Nhân.
Bãi biển Tiên Sa nhìn từ đồi Thi Nhân.


Đứng trên đồi Thi Nhân, phóng tầm mắt về phía thành phố sẽ bắt gặp bãi biển uốn cong với bờ cát trắng mịn màng chẳng khác nào cảnh quan của Nha Trang. Người dân địa phương gọi đó là bãi Tiên Sa với nhiều huyền thoại tình duyên ly kỳ và mộng mị. Cùng đắm mình trong không gian của những hàng dương xanh ngắt với gió từ biển thổi vào lồng lộng, mỗi chúng ta như tìm được cho mình đáp án về tên gọi đậm màu cô tịch của bãi biển này. Đến với Ghềnh Ráng, du khách còn có thể chiêm ngưỡng bức tranh sơn thủy hữu tình của phố biển Quy Nhơn. Những dãy núi xanh dựng thành từng lớp, xen lẫn những bãi cát vàng trải mịn chạy dọc ven biển. Xa xa bán đảo Phương Mai án ngữ cửa biển Thị Nại cùng đảo Cù Lao Xanh... hiện rõ trong tầm mắt một cách khoáng đạt.


Đồi Thi Nhân có mộ Hàn Mặc Tử - một địa điểm mà du khách về đây đều dừng chân viếng thăm. Để lưu dấu kỷ niệm nơi đây, du khách có thể ghé đến lều nhỏ của nghệ sĩ Dzũ Kha - người đã tự nguyện gắn bó cuộc đời mình với Ghềnh Ráng. Tìm cho mình một bài thơ của Hàn Mạc Tử mà bạn yêu thích, người nghệ sĩ này bằng nghệ thuật bút lửa sẽ viết bài thơ lên gỗ cho bạn. Ngòi bút lửa tài hoa, cùng tình yêu và sự hiểu biết nồng nhiệt đối với thơ Hàn của ông chắc chắn sẽ cho bạn một món quà lưu niệm vừa ý.

 

Nghệ sĩ Dzũ Kha viết thư pháp bút lửa lưu niệm cho du khách.
Nghệ sĩ Dzũ Kha viết thư pháp bút lửa lưu niệm cho du khách.


Nơi lưu dấu Anh hùng áo vải


Bảo tàng Quang Trung nằm cách TP. Quy Nhơn 50km về phía Tây Bắc, thuộc làng Kiên Mỹ (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn). Bảo tàng được xây dựng năm 1978 theo lối kiến trúc cổ, dáng vẻ uy nghiêm. Không gian bảo tàng dịu mát dưới bóng những hàng duối, hàng me cổ thụ. Theo những cán bộ phụ trách, bảo tàng luôn có du khách trong và ngoài nước đến thăm mỗi ngày. Cao điểm thường vào ngày mùng 5 tháng Giêng - ngày kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi. Bảo tàng có 9 phòng trưng bày với khoảng trên 11.000 hiện vật có liên quan đến phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và vị anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ: Những khẩu thần công lớn nhỏ, những binh khí của nghĩa quân...

 

Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Bảo tàng Quang Trung.
Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Bảo tàng Quang Trung.


Đi sâu vào trong là điện thờ Tây Sơn Tam kiệt: Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và các văn thần võ tướng của nhà Tây Sơn như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỷ... Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt được xây dựng ngay trên nền nhà cũ của ba anh em nhà Tây Sơn do nhân dân góp công xây dựng vào năm 1958 và hoàn thành vào năm 1960 với diện tích 2.325m². Chính giữa quần thể bảo tàng đặt tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ trong bộ chiến bào uy phong lẫm liệt. Trong bảo tàng, vẫn còn lại hai di tích cực kỳ quý giá là cây me cổ thụ và giếng nước xưa của gia đình ba anh em Tây Sơn. Đến Bảo tàng Quang Trung, nếu may mắn du khách còn được xem biểu diễn võ thuật và trống trận Tây Sơn. Một bài trống trận Tây Sơn gồm 3 hồi: Xuất trận, xung trận - công thành, ca khúc khải hoàn..., không có hồi trống trận lui quân như những bài trống trận thông thường.


G.Đ