10:10, 11/10/2013

Du lịch lặn biển: Cần được quản lý chặt chẽ

Lặn biển là một thế mạnh của du lịch Khánh Hòa. Tuy nhiên hiện nay, sản phẩm du lịch này đang thiếu một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể phục vụ cho công tác quản lý.

Lặn biển là một thế mạnh của du lịch (DL) Khánh Hòa. Tuy nhiên hiện nay, sản phẩm DL này đang thiếu một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể phục vụ cho công tác quản lý.


Lặn biển quanh năm


Sau khoảng 20 năm du nhập vào Nha Trang - Khánh Hòa, lặn biển đã trở thành một sản phẩm DL được du khách ưa chuộng. Không quá lời khi nói rằng, ở Khánh Hòa, du khách có thể lặn biển quanh năm. Nếu như trước đây, khách lặn biển chủ yếu là người nước ngoài thì những năm gần đây, số lượng khách Việt Nam đăng ký tour lặn biển ngày càng đông. “Trước khi đến Nha Trang, tôi đã nghe bạn bè kháo nhau đã đi DL đến đây là phải thử 2 món tắm bùn và lặn biển. Sau khi trải nghiệm cảm giác tận mắt ngắm những sinh vật dưới lòng biển, tôi càng hiểu vì sao người ta nói vậy”, anh Phan Anh Tuấn - khách DL đến từ Hà Nội nhận xét. Cùng chung cảm giác đó, anh Paul Verhoeven (quốc tịch Mỹ) cũng dành những lời tốt đẹp khi nói về lặn biển ở Nha Trang: “Tôi đã từng một vài lần tham gia lặn biển ở Brazil, Australia, Thái Lan, nhưng khi được lặn biển ở Nha Trang tôi vẫn thấy rất ấn tượng. Những rạn san hô đẹp, các loài cá, nhuyễn thể phong phú. Ở đây bạn có thể lặn biển được bất cứ thời điểm nào, không phải theo mùa như những quốc gia khác”.

 

1
Hoạt động lặn biển tuy hấp dẫn nhưng cần được quản lý chặt chẽ.


Lâu nay, vùng biển diễn ra hoạt động lặn biển sôi nổi nhất vẫn là Khu bảo tồn biển Hòn Mun với khoảng 10 điểm được phép lặn. Ngoài ra, Hòn Rơm, Hòn Lao và một vài điểm nhỏ khác cũng được các doanh nghiệp DL khai thác nhằm mang đến cho du khách nhiều cảm giác mới lạ. “Gần như ngày nào chúng tôi cũng tổ chức cho khách đi lặn biển. Cao điểm có ngày lên đến cả trăm khách. Sau mỗi chuyến đi như vậy, du khách đều có những đánh giá tích cực về lặn biển ở Nha Trang”, anh Nguyễn Ngọc Minh - Trưởng phòng Kinh doanh Trung tâm Lặn biển Việt Nam (thuộc Vietravel Chi nhánh Nha Trang) cho biết. Với những ưu thế về cảnh quan thiên nhiên, thời tiết, khí hậu, hệ sinh thái biển phong phú, đa dạng... Nha Trang thực sự là một “thiên đường lặn biển”, có sức hút lớn đối với du khách. Chính vì thế, sản phẩm DL này đang phát triển rầm rộ, ngày càng nhiều doanh nghiệp đăng ký hoạt động, lượng khách đăng ký mua các tour lặn biển ngày càng đông.

 


Nên ban hành quy định mới


DL lặn biển đang phát triển, nhưng có một thực tế là hiện nay vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể đối với loại hình này cả ở cấp bộ lẫn địa phương. Trước đây, năm 2001, UBND tỉnh đã từng ban hành Quyết định số 4376 để quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ thể thao - giải trí trên biển. Nhưng về sau, văn bản này không còn phù hợp với thực tế nên đã được bãi bỏ. Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan tham mưu để ban hành văn bản mới, nhưng đến nay văn bản quy định cụ thể về hoạt động lặn biển vẫn chưa có. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay ở Nha Trang có 9 công ty, doanh nghiệp được Sở Văn hóa - Thể thao và DL (VH-TT-DL) cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tổ chức hoạt động lặn biển. Theo ông Nguyễn Đức Sơn - chuyên viên Phòng Nghiệp vụ thể dục - thể thao, việc cấp phép cho các doanh nghiệp này vẫn dựa trên những quy định chung về hoạt động thể dục thể thao. Các doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng được các điều kiện về trang bị phương tiện kỹ thuật, kinh phí, hoạt động chuyên môn, y tế là được cấp phép. Còn cụ thể, chi tiết những điều kiện đó như thế nào thì vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn. Chính vì thế, những quy định về tiêu chuẩn huấn luyện viên, hướng dẫn viên lặn biển, thông số kỹ thuật của bình khí, của các thiết bị cần thiết khi lặn biển,  chất lượng dịch vụ... vẫn chưa có. “Đối với lặn biển, chúng ta vẫn chưa thể đào tạo được huấn luyện viên, hướng dẫn viên nên vẫn phải chấp nhận bằng cấp, chứng chỉ do Hiệp hội Lặn biển quốc tế (PADI) hoặc Tổ chức Lặn quốc tế (SSI) cấp”, ông Sơn cho biết.


Vì chưa có văn bản quy định cụ thể đối với hoạt động lặn biển nên việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động này cũng gặp khó khăn. Trước hết là việc chưa có một cơ quan cụ thể nào có đầy đủ thẩm quyền để xử lý những vi phạm (nếu có) của doanh nghiệp hoạt động lặn biển. Mỗi lần đi kiểm tra phải thành lập đoàn liên ngành khiến cho hoạt động kiểm tra gặp những trở ngại nhất định. Chính vì thế, việc kiểm tra vẫn thường được thực hiện riêng lẻ: Ngành Văn hóa - Thể thao và DL kiểm tra những vấn đề liên quan đến các quy định về chuyên môn; ngành Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra về lao động nước ngoài; ngành Giao thông vận tải kiểm tra về phương tiện vận chuyển... Tình trạng này gây nhiều phiền toái đối với các doanh nghiệp kinh doanh lặn biển. “Chúng tôi làm kinh doanh chỉ mong càng tránh được những phiền hà về thủ tục hành chính càng tốt. Vì thế, rất mong có một quy định cụ thể để việc kinh doanh được ổn định”, đại diện một công ty kinh doanh lặn biển chia sẻ. Do những khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát nên thực tế vẫn có những trường hợp hoạt động “chui” như: Không mua bảo hiểm cho khách, huấn luyện viên không được cấp phép nhưng vẫn hoạt động, việc đảm bảo an toàn cho khách còn sơ hở...

Nên chăng, trong khi chờ Bộ VH-TT-DL ban hành văn bản cụ thể hướng dẫn về hoạt động lặn biển, UBND tỉnh nên tiếp tục ban hành văn bản quy định cụ thể hoạt động này trên địa bàn.  


NHÂN TÂM

.