10:09, 27/09/2013

Quyết liệt chấn chỉnh các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động du lịch

Trong bối cảnh lượng khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng giảm thì với nhiều giải pháp linh động được thực hiện từ trước, môi trường du lịch Khánh Hòa vẫn an toàn, thân thiện,  thu hút đông khách quốc tế...

 

Trong bối cảnh lượng khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng giảm thì với nhiều giải pháp linh động được thực hiện từ trước, môi trường du lịch (DL) Khánh Hòa vẫn an toàn, thân thiện,  thu hút đông khách quốc tế.

Lượng khách quốc tế giảm

Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, ông Hồ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và DL, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Nhà nước về DL đã đưa ra thông tin về tình hình DL Việt Nam. Theo đó, tính từ năm 1995 đến 2012, lượng khách DL quốc tế và nội địa ở Việt Nam đều tăng hơn 5 lần. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang có xu hướng giảm. 6 tháng đầu năm 2013, tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,5 triệu lượt, chỉ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2012 và thấp hơn nhiều so với mức tăng của 6 tháng đầu năm 2012 (tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2011). Một trong những nguyên nhân của sự giảm sút trên là do tại một số địa phương (trong đó có Khánh Hòa) còn có những biểu hiện tiêu cực như: chèo kéo, đeo bám, trộm cắp, lừa đảo khách. Những hiện tượng này đã, đang tác động xấu đến hình ảnh DL, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DL Việt Nam.

 

Khách du lịch đến Nha Trang - Khánh Hòa luôn mong muốn được đảm bảo an toàn.
Khách du lịch đến Nha Trang - Khánh Hòa luôn mong muốn được đảm bảo an toàn.

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do công tác quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách DL còn nhiều bất cập. Ở Trung ương, sự phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành còn yếu, thể hiện ở nhiều lĩnh vực, nhất là vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ vận chuyển khách DL bằng ô tô, tàu hỏa và các phương tiện giao thông đường thủy. Bên cạnh đó là thiếu lực lượng chuyên trách bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội liên quan đến khách DL; thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong việc hạn chế các vụ việc xâm hại tính mạng, tài sản của khách DL có yếu tố nước ngoài; thiếu quy định, chế tài xử phạt, hoặc chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe đối với các hành vi đeo bám, ép giá, lừa đảo khách DL... làm ảnh hưởng đến công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ DL. Ở địa phương, công tác quản lý môi trường DL còn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa thể hiện đúng mức vai trò và trách nhiệm trực tiếp của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm môi trường, văn minh DL, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu, điểm DL.

Ông Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: “Khánh Hòa được xác định là điểm DL trọng điểm của cả nước. Trong chiến lược phát triển kinh tế biển của địa phương, DL cũng được coi là mũi nhọn. Chính vì thế, từ nhiều năm nay, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để hạn chế những biểu hiện tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành DL. Tỉnh cũng linh động áp dụng nhiều biện pháp để xử lý tình huống nhằm tạo ra môi trường DL hấp dẫn đối với du khách”.

Khánh Hòa đã thực hiện nhiều giải pháp chấn chỉnh

Để khắc phục tình trạng trên, ngày 4-9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18 về tăng cường công tác quản lý môi trường DL, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách DL. Theo Chỉ thị số 18, trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định cụ thể với 8 nội dung. Trong đó, nhiều nội dung Khánh Hòa đã áp dụng thực hiện từ nhiều năm trước. Từ năm 1999, Khánh Hòa đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình phát triển DL để triển khai thực hiện các nội dung phát triển DL của địa phương. Năm 2002, tỉnh đã phê duyệt Đề án Bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong hoạt động kinh doanh DL. Chính vì thế, lực lượng Công an đã có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để đảm bảo môi trường DL. TP. Nha Trang đã triển khai lực lượng chốt tại các điểm thường xuyên có khách DL. Tình trạng buôn bán hàng rong ở các khu vực công viên bờ biển được giải quyết. Năm 2007, Trạm thông tin DL được thành lập để cung cấp thông tin, hỗ trợ du khách… Đối với các trò chơi như lặn biển, tắm bùn, hoặc nạn cò mồi, chèo kéo, đeo bám khách DL… tuy chưa có văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, nhưng do đặc thù phát triển DL và đáp ứng nhu cầu du khách nên tỉnh cũng đã đưa ra những biện pháp cụ thể để quản lý.

Chỉ thị số 18 nêu rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chỉ đạo thực hiện quyết liệt và áp dụng các biện pháp cụ thể, đồng bộ, hiệu quả để tạo ra chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách DL. Thủ tướng giao cho một đơn vị trong ngành ở Trung ương và địa phương thực hiện nhiệm vụ đầu mối tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, chịu trách nhiệm nếu để tình trạng mất an ninh, an toàn, chèo kéo, theo bám, chèn ép khách DL. Tạo điều kiện, hỗ trợ các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý các trung tâm mua sắm cao cấp, khu vui chơi giải trí hiện đại, thân thiện, hấp dẫn… để thu hút khách DL. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực thi các quy định của pháp luật về môi trường DL, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

Sự năng động đó đã mang lại kết quả tích cực cho ngành DL, đó là trong bối cảnh lượng khách quốc tế đến nước ta giảm, nhưng lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa trong năm 2013 vẫn tăng. Theo ước tính của Sở Văn hóa - Thể thao và DL, khách Nga đạt khoảng 130.000 lượt, tăng khoảng 160% so với năm 2012; khách Hàn Quốc tăng 60%; khách Úc tăng 40%. Tuy còn những biểu hiện tiêu cực, nhưng nhìn một cách tổng thể, ngành DL Khánh Hòa đã tạo được một môi trường DL an toàn, thân thiện, với nhiều sản phẩm DL độc đáo, đa dạng. Điều này không chỉ được ghi nhận bởi các cơ quan Trung ương, mà còn thể hiện qua lượng khách nội địa và quốc tế đến Nha Trang - Khánh Hòa ngày càng đông.

G.Đ