Ngày 26-6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch có thông báo yêu cầu thành lập các Trung tâm hỗ trợ khách du lịch ở các trung tâm du lịch lớn của cả nước, trong đó có Khánh Hòa.
Ngày 26-6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch (DL) có thông báo yêu cầu thành lập các Trung tâm hỗ trợ khách DL ở các trung tâm DL lớn của cả nước, trong đó có Khánh Hòa. Nâng cấp các Trạm thông tin DL là giải pháp tương đối khả thi và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Du khách cần được hỗ trợ
Lâu nay, hoạt động DL ở Nha Trang - Khánh Hòa vẫn bị “mang tiếng” bởi nạn chèo kéo, ép khách, đeo bám, lừa đảo, cướp giật của du khách. Tình trạng này đã và đang tác động tiêu cực đến hình ảnh DL của địa phương. Chính vì vậy, việc cải thiện môi trường văn hóa DL là vấn đề được đặt ra một cách cấp bách. Khi du khách đến với phố biển, họ rất cần được hỗ trợ, giúp đỡ để biết thêm những thông tin hữu ích, cũng như khi gặp những tình huống không may. “Gia đình tôi muốn tự tổ chức một kỳ nghỉ ở Nha Trang mà không thông qua các hãng lữ hành. Vì vậy, khi đến đây chúng tôi rất cần những thông tin về các điểm vui chơi, nghỉ dưỡng, tham quan, ăn uống, mua sắm có uy tín, chất lượng. Điều đó sẽ giúp chúng tôi có sự lựa chọn hợp lý để kỳ nghỉ được trọn vẹn”, chị Phan Hoàng Anh, du khách đến từ TP. Cần Thơ cho biết. Trong khi đó, anh Jacob Stillwell, du khách Mỹ chia sẻ: “Trước khi quyết định chọn Nha Trang làm điểm đến cho chuyến “phượt” của cả nhóm, chúng tôi đã tìm hiểu khá kỹ các thông tin về nơi này. Tuy nhiên, khi đến đây chúng tôi vẫn thấy còn thiếu quá nhiều thông tin cần thiết mà không thể tìm kiếm được trên mạng. Vì vậy, chúng tôi rất cần được hướng dẫn chi tiết hơn”.
Du khách đến Nha Trang, ngoài những đoàn khách đi theo tour, tuyến đã hợp đồng với các hãng lữ hành, vẫn còn một số lượng lớn những đoàn khách lẻ tự tổ chức đi DL. Đây chính là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi các hành vi tiêu cực trong hoạt động DL. “Những khách đã đặt tour ở các hãng lữ hành uy tín sẽ được đội ngũ nhân viên ở đây hạn chế tối đa rủi ro. Nhưng những khách lẻ không mua tour dễ gặp phải những hành vi xấu như: Nạn cò mồi, chặt chém, chèo kéo, đeo bám… Chính vì vậy, khi đến Nha Trang, họ rất cần được cung cấp thông tin cần thiết về DL”, anh Nguyễn Minh Khoa - Phụ trách kinh doanh Công ty DL Biển Xanh Nha Trang nhận định.
Du khách tìm kiếm thông tin du lịch tại Trạm thông tin du lịch. |
Khánh Hòa chọn mô hình nào?
Ngay sau khi nhận được thông báo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, TP. Hà Nội đã cho thành lập Trung tâm hỗ trợ khách DL tại số 47 Hàng Dầu (quận Hoàn Kiếm), bắt đầu hoạt động từ ngày 1-8. Trung tâm sẽ cung cấp thông tin, tư vấn điểm đến và các dịch vụ phục vụ khách DL. Ngoài ra, hệ thống đường dây nóng hoạt động liên tục 24/24 giờ sẽ tiếp nhận các thông tin phản ánh, khiếu nại của du khách và người dân trước những bất cập khi tham quan Hà Nội. Còn ở TP. Đà Nẵng, từ ngày 1-2, Trung tâm hỗ trợ du khách Đà Nẵng đã được đưa vào hoạt động. Trung tâm còn phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115 và lực lượng Cảnh sát cơ động 113 tiếp nhận và xử lý các tình huống khẩn cấp mà du khách gặp phải. Trung tâm này cũng làm việc với các cơ quan quản lý thị trường, doanh nghiệp kinh doanh DL và hãng vận tải để triển khai các nội dung phối hợp hỗ trợ du khách, cam kết mang đến cho du khách sự hỗ trợ tốt nhất cũng như một môi trường DL thân thiện nhất. Ở TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua đã xuất hiện đội ngũ hiệp sĩ DL để hỗ trợ, giúp đỡ du khách khi cần thiết.
Vậy mô hình hỗ trợ du khách của Nha Trang - Khánh Hòa là gì? Trao đổi với lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và DL, được biết từ năm 2007, tỉnh đã thành lập Trạm thông tin DL; hiện có 2 trạm đặt ở đối diện số 52 đường Trần Phú (Nha Trang) và Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Chị Châu Lê Ngọc Trinh - chuyên viên trực Trạm thông tin DL đối diện số 52 đường Trần Phú cho biết, trung bình mỗi ngày trạm tư vấn, hướng dẫn cho khoảng 10 nhóm du khách. “Du khách khi đến đây sẽ được chúng tôi tư vấn miễn phí về các điểm tham quan, mua sắm, ăn uống, lưu trú, các tour DL. Thỉnh thoảng, một số du khách đến than phiền về giá cả, hay trình báo mất đồ, chúng tôi đều giải thích cho họ hiểu và chỉ dẫn họ đến trình báo với cơ quan chức năng”. Như vậy, về cơ bản, lâu nay việc hỗ trợ, hướng dẫn du khách đã được thực hiện. Các trạm thông tin không chỉ là nơi tư vấn, hướng dẫn mà còn cung cấp cho du khách những số điện thoại nóng của các cơ quan chức năng để du khách kịp thời phản ánh. Tuy nhiên hiện nay, việc quảng bá, giới thiệu các trạm thông tin này đến du khách vẫn còn hạn chế. Nhiều du khách chưa biết đến sự tồn tại của những trạm thông tin này. “Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh có phương án nâng cấp, kiện toàn hoạt động của các Trạm thông tin DL để việc hỗ trợ, hướng dẫn du khách đạt được hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lên phương án tuyên truyền, quảng bá về các trạm thông tin này để du khách biết”, bà Phan Thanh Trúc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và DL cho biết.
Phương án nâng cấp các Trạm thông tin DL là giải pháp tương đối khả thi và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tuy nhiên, điều quan tâm hiện nay là việc nâng cấp, kiện toàn đó sẽ được thực hiện như thế nào và hiệu quả hoạt động ra sao để tăng cường cải thiện môi trường DL?
NHÂN TÂM