Năm 2012, lượng khách Nga đến Nha Trang - Khánh Hòa tăng đột biến, chiếm vị trí thứ nhất trên thị trường khách quốc tế. Vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng Nga phục vụ du lịch là nhu cầu hết sức cần thiết.
Năm 2012, lượng khách Nga đến Nha Trang - Khánh Hòa tăng đột biến, chiếm vị trí thứ nhất trên thị trường khách quốc tế. Vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng Nga phục vụ du lịch là nhu cầu hết sức cần thiết.
Lượng khách Nga tăng cao
Thời gian này, nhân viên thuyết minh, bán vé, nhạc công của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đang theo học lớp đào tạo ngắn hạn tiếng Nga giao tiếp. Bởi lẽ, lượng khách Nga đến tham quan di tích, danh thắng Hòn Chồng, Tháp Bà ngày càng tăng cao. Bà Ngô Mỵ Châu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cho biết: “Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách Nga, Trung tâm đã trích kinh phí hoạt động chuyên môn để nhân viên một số bộ phận thường xuyên tiếp xúc với khách học thêm tiếng Nga”.
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), lượng khách Nga đến Nha Trang - Khánh Hòa đã có sự tăng trưởng mạnh (năm 2012 tăng 141,8% so với năm 2011). Lý do dẫn đến lượng khách Nga tăng cao là Nha Trang - Khánh Hòa đã có đường bay thẳng từ vùng Viễn Đông (Nga) đến sân bay Cam Ranh. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu ôn hòa, nắng ấm quanh năm của Nha Trang - Khánh Hòa rất thích hợp cho khách Nga đi nghỉ dưỡng kết hợp với trú đông. Sản phẩm du lịch của Nha Trang - Khánh Hòa như: tắm bùn, các môn thể thao trên biển, chơi golf, nét văn hóa ẩm thực cùng bản tính hiền hòa, thân thiện của người dân xứ Trầm Hương cũng có sức hấp dẫn đối với khách Nga... Lượng khách Nga đến đông, thời gian lưu trú dài hơn, khả năng chi trả cao cho các dịch vụ du lịch đang thực sự là tín hiệu lạc quan đối với ngành Du lịch. Tuy nhiên, có một đặc điểm của khách Nga là chỉ thích giao tiếp bằng tiếng Nga, không thích sử dụng tiếng Anh. Chính vì thế, để có thể phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách Nga, việc trang bị thêm tiếng Nga cho đội ngũ cán bộ, nhân viên hoạt động du lịch là yêu cầu hết sức bức thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay, tiếng Nga (theo hệ ngôn ngữ Slav) rất khó học và cũng ít phổ biến ở nước ta; vì thế, để có thể giao tiếp tốt với khách Nga, đòi hỏi phải có chiến lược đào tạo bài bản.
Nhân viên du lịch hạn chế tiếng Nga
Du khách Nga tham quan Tháp Bà |
Tuy lượng khách Nga có chiều hướng gia tăng, nhưng những số lượng người giao tiếp được với khách Nga không nhiều. Hiện nay, hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch, đội ngũ nhân viên nghiệp vụ du lịch ở các doanh nghiệp du lịch, lực lượng dân cư tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch… đều không biết tiếng Nga. Không những thế, toàn tỉnh có 6 cơ sở đang tổ chức đào tạo du lịch gồm: Trường Cao đẳng (CĐ) Nghề du lịch Nha Trang, Trường CĐ Nghề Nha Trang, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang, Trường CĐ Sư phạm Nha Trang, Trường CĐ Mẫu giáo Trung ương 2, Trường Đại học Nha Trang chưa tổ chức dạy tiếng Nga cho sinh viên ngành Du lịch. Trong bối cảnh ấy, các doanh nghiệp đành phải giải quyết tình thế bằng cách tổ chức các lớp huấn luyện tại chỗ nhằm trang bị tiếng Nga tối thiểu cho cán bộ, nhân viên của mình. Việc thiếu trình độ tiếng Nga trong hoạt động du lịch đang trở thành vấn đề bức xúc. Nó không chỉ làm trở ngại cho du lịch Khánh Hòa trong công tác quản lý an ninh, trật tự xã hội, mà còn tác động trực tiếp đến các hoạt động dịch vụ phục vụ khách Nga như: lưu trú, nhà hàng, ăn uống, bán hàng lưu niệm, vận chuyển, hướng dẫn du lịch, thuyết minh tại điểm đến... Nhanh nhạy trước tình hình này, một số người Nga đã mở các văn phòng chăm sóc khách Nga ngay tại Nha Trang và thu được nguồn lợi lớn, trực tiếp cạnh tranh với những cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương.
Mục tiêu của dự án “Đào tạo, bồi dưỡng tiếng Nga trong ngành Du lịch Khánh Hòa giai đoạn 2013 - 2015” là đến năm 2015: có 40% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch biết tiếng Nga; 70% cán bộ quản lý, 50% nhân viên phục vụ trong cơ sở lưu trú, đơn vị lữ hành biết tiếng Nga; 40% hướng dẫn viên, thuyết minh viên giao tiếp tốt bằng tiếng Nga; 50% dân cư hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch giao tiếp cơ bản bằng tiếng Nga |
Hướng đi triển vọng
Trước nhu cầu sử dụng tiếng Nga, ngày 12-3, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án “Đào tạo, bồi dưỡng tiếng Nga trong ngành Du lịch Khánh Hòa giai đoạn 2013 - 2015” do Sở VH-TT-DL trình. Theo bà Phan Thanh Trúc - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng Nga trong ngành Du lịch nhằm trang bị tiếng Nga cho nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường khách các nước nói tiếng Nga đến du lịch, nghỉ dưỡng và hợp tác đầu tư tại Khánh Hòa trong những năm tới. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo ấn tượng tốt để thu hút du khách các nước nói tiếng Nga đến Khánh Hòa lưu trú lâu hơn, quay trở lại nhiều lần hơn. Các đối tượng của dự án này gồm: đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý nhà nước về du lịch; lực lượng cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ ở những cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch; lực lượng dân cư tham gia kinh doanh các dịch vụ phục vụ khách du lịch; đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng Nga tại các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh.
Được biết, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ cùng Sở VH-TT-DL, Trường CĐ Nghề Du lịch Nha Trang báo cáo với Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL về việc đào tạo tiếng Nga tại Nha Trang - Khánh Hòa. Khi dự án được Bộ phê duyệt, cấp kinh phí, tỉnh sẽ triển khai thực hiện trong quý II/2013. Bà Phan Thanh Trúc chia sẻ: “Đây là dự án hướng đến tất cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục vụ khách du lịch và cơ quan quản lý. Vì vậy, tính khả thi của dự án rất cao. Cụ thể, dự án cũng đã tính đến việc xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với thực tế nhằm đảm bảo hiệu quả cho từng đối tượng. Bên cạnh đó, dự án cũng dự kiến số lượng, cấp độ đào tạo cho từng đối tượng cụ thể. Ngoài ra, cơ sở vật chất, địa điểm phục vụ công tác tổ chức đào tạo cũng được tính đến”.
Nhân Tâm
.