09:03, 24/03/2020

Những chiếc bánh của tuổi thơ tôi

Nếu có ai hỏi, tuổi thơ đi qua, điều gì đến nay vẫn đọng lại sâu đậm trong ký ức của bạn? Nhiều, nhiều lắm! Tôi có thể kể rất nhiều, nhưng điều trước tiên mà tôi không thể không nói đến đó là những năm tháng sống bên bà ngoại, ngày ngày giúp bà làm những chiếc bánh ít lá gai để bán.

Nếu có ai hỏi, tuổi thơ đi qua, điều gì đến nay vẫn đọng lại sâu đậm trong ký ức của bạn? Nhiều, nhiều lắm! Tôi có thể kể rất nhiều, nhưng điều trước tiên mà tôi không thể không nói đến đó là những năm tháng sống bên bà ngoại, ngày ngày giúp bà làm những chiếc bánh ít lá gai để bán.

 

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet


Nhà ngoại tôi nằm ở ven sông và hai bên bờ có rất nhiều cây gai - loại cây thân mềm, lúp xúp mọc thành đám, bốn mùa đầy lá xanh tươi. Ở gần chợ nên từ xưa, khi còn rất trẻ, bà tôi đã bắt đầu làm bánh ít lá gai để bán. Hồi còn học ở bậc tiểu học và sau đó vài năm, vào những ngày hè, tôi thường về nhà ngoại chơi. Ở đó, tôi thường giúp bà đi hái lá gai, mang về giã nhuyễn hoặc cầm cái cần quay của chiếc cối xay bằng đá để xay bột.


Tôi nhớ ngày xưa, bánh ít do bà ngoại tôi làm rất ngon, có tiếng trong vùng. Không chỉ mấy dì, mấy cô quanh xóm đến mua để ra chợ bán lẻ mà vào các dịp lễ hay cúng giỗ, người ta đặt bà làm cũng nhiều.


Làm bánh ít lá gai đòi hỏi người làm phải chịu khó. Lá gai khi hái về phải bỏ cuống, dùng tay loại hết gân lá, rồi đem rửa sạch, luộc nhừ, sau đó xắt nhỏ, cho vào cối giã càng nhuyễn càng tốt để lấy phần bột nhão màu xanh đen. Nếp chọn làm bánh cũng phải là loại nếp mới và tốt, sau khi vo sạch cám, ngâm vài giờ cho mềm, đổ vào cối xay mịn, ép nước đi để lấy phần bột rồi nhào, trộn cùng đường và bột lá gai, tạo thành một thứ chất dẻo, càng dẻo càng tốt. Để nhân bánh được ngon, ngày xưa ngoại tôi thường dùng bột đậu xanh sên với dầu phụng rồi trộn với những sợi dừa già nạo nhỏ. Lá gói bánh cũng phải chọn loại lá tốt, mang hơ lửa vừa phải, có như vậy chiếc bánh mới thơm…


Tôi không thể nhớ được những ngày sống bên ngoại, mình đã có bao nhiều lần xách rổ đi hái lá gai, giúp bà xay bột hay gói bánh. Mặc dù hồi ấy còn nhỏ, nhưng dần dà tôi đã thuộc làu các công đoạn để tạo ra những chiếc bánh ít lá gai vừa thơm vừa ngon. Đến cả chuyện hấp bánh như thế nào cho đủ độ chín để có thể để lâu mà không bị thiu tôi cũng học được.


Ở vùng quê nhưng nhà ngoại tôi không có nhiều ruộng, ngoài cây quả trong vườn, nhờ việc làm bánh ít để bán mà bà có thêm thu nhập để lo cho mấy cậu tôi ăn học. Với tôi, thỉnh thoảng bà cũng cho tiền để sắm quần áo và mua sách vở. Nhưng những kỷ niệm đong đầy trong ký ức của tôi là tình cảm chan chứa của ngoại. Cây trái trong vườn có quả nào ngon bà cũng để dành cho. Bánh ít mỗi lần vừa hấp xong, lấy ra từ chiếc nồi còn đang bốc hơi, trước khi bán cho người ta, bao giờ bà cũng để dành cho tôi vài cái. Thật thú vị biết bao, những lúc đi chơi với đám trẻ con trong xóm, chạy về nhà, giữa lúc bụng đói, cầm chiếc bánh ít trong tay, lột lớp lá chuối rồi đưa lên miệng, từ từ thưởng thức hương vị ngọt ngào dân dã của nếp xen lẫn mùi lá gai cùng với nhân đậu xanh trộn dừa béo ngậy…


Rất nghiêm khắc với con cháu nhưng ngoại tôi là người hiền lành, mỗi lần tôi làm điều gì sai bà đều nhẹ nhàng khuyên bảo. Trong những lần xớ rớ bên chiếc nia gói bánh, tôi được nghe bà kể bao nhiêu chuyện về những bài học làm người…


Chiến tranh bùng nổ và bà ngoại tôi đã qua đời. Bao nhiêu năm trôi đi, nhưng mỗi lần về quê, đến thắp hương cho ngoại, tôi đều có cảm giác như mình đang sống ở những năm tháng của ngày xưa. Con đường nhỏ rợp bóng tre dẫn ra bờ sông đầy những lùm lá gai vẫn còn, không thay đổi mấy. Cái cối đá bà ngoại thường dùng để xay bột ngày nào được cậu tôi giữ lại, đặt dưới một gốc mít già ở đầu sân để làm kỷ niệm. Tôi nhìn cái cối và trong tâm trí bất chợt hiện lên hình ảnh bà ngoại tôi lưng còng đang lui hui bên nồi bánh ít vừa hấp xong tỏa mùi thơm ngát…


Hải Nam