09:01, 22/01/2019

Nhớ bánh thuẫn

1. Có lẽ tôi không nhớ Tết đến thế nếu sáng sớm nay không nhận email của L. - một người bạn đang sống ở Mỹ. Chủ đề email: "Bánh thửng Quy Nhơn. Không nơi nào có trên thế giới".

1. Có lẽ tôi không nhớ Tết đến thế nếu sáng sớm nay không nhận email của L. - một người bạn đang sống ở Mỹ. Chủ đề email: “Bánh thửng Quy Nhơn. Không nơi nào có trên thế giới”.


L. kể, bữa về Việt Nam, một người bạn thân thời thơ ấu ở Quy Nhơn gói để dành cho 15 cái bánh thửng. Túi bánh để ở nhà L. bị bốc khói hết 9 cái. Đem được qua Mỹ, cất tủ lạnh để dành, khi nào nhớ nhà, nhớ bạn mới lấy ra ăn.  


Sáng đi làm, tìm không thấy, hỏi ra mới hay mẹ vợ đem bỏ thùng rác, nói là hư rồi vì khô và cứng. Bạn chạy ra bới tung thùng rác, may còn nguyên trong bị, chưa ảnh hưởng gì, vẫn màu vàng ươm, cứa vào nỗi nhớ vết cắt thật sâu. Bạn không dám để ở nhà mà mang vô sở làm.


Ngồi ở cafeteria, nhâm nhi cái bánh thửng với ly trà gừng, xem đội Việt Nam đá với Malaysia mà như thấy cả một quê nhà. Cuối thư bạn thêm hai câu thơ “con ếch”: “Quê hương là mùi bánh thửng/Cho ta chợt nhớ mẹ già”.


2. Bánh thửng hay còn gọi là bánh thuẫn, có lẽ do giọng nói vùng miền, dân Quy Nhơn, Phú Yên và một số nơi trong tỉnh Khánh Hòa gọi là thửng; nhưng tôi, từ nhỏ đã quen với cách gọi theo má là bánh thuẫn, một loại bánh mà ngày xưa không thể thiếu trong bất cứ gia đình nào vào ngày Tết.


Là dạng bánh bông lan nhưng bánh thuẫn đổ trong khuôn nhỏ. Hồi đó hầu như nhà nào cũng có khuôn bánh thuẫn và thường được bày ra vào những đêm cận Tết. Dễ làm nhất trong các loại bánh, mứt, lứa chúng tôi ai cũng biết làm bánh này. Chậu sành, cây đánh trứng và khuôn bánh là những vật dụng quen thuộc một thời tuổi nhỏ. Trứng vịt (cho bánh có màu vàng đẹp), đánh cho đạt độ... tới (nổi bọt) rồi thêm đường, thêm bột… Ấn tượng là cái khuôn bằng kim loại nặng trịch, mà quan trọng là phải biết gia giảm lớp than dưới lò (rất ít) và than trên nắp khuôn sao cho cái bánh chín đều, lấy cây tăm xiên vô bánh, không còn bột ướt. Mùi bánh thơm ngọt ngào là một trong những mùi Tết, thật khó quên.


Hồi đó má tôi thường làm hai loại bánh thuẫn: mềm và cứng giòn. Thú thật, cảm giác được ăn cái bánh nóng hổi má vừa lấy bỏ xuống cái tràn có lót giấy báo là cả một thiên đường.


Từ ngày có gia đình, ra riêng, tôi chưa hề tự tay làm ra một cái bánh thuẫn nào. Nhiều năm trước, khi con gái tôi và con gái em tôi vào tuổi mới lớn, gần Tết, em gái tôi ra chợ mua một cái khuôn bánh thuẫn, mục đích “cho tụi nhỏ biết và tập làm”. Người háo hức nhất có lẽ là má. Từ lúc em gái nói ra ý định mua khuôn bánh thuẫn, ngày nào má cũng điện thoại cho tôi nhắc, nhớ qua tụ tập đổ bánh nhen.


Không biết vì không có kinh nghiệm hay đã qua cái thời thiếu thốn, một cục đường tán cũng thấy ngon, “ngày hội bánh thuẫn” gia đình hôm ấy làm ra những cái bánh không hấp dẫn như xưa. Lũ trẻ thất vọng ra mặt vì không phải cái bánh trong trí tưởng tượng của chúng mà tôi hay em gái thường kể lại trong những đêm mưa, trời lạnh, thèm ăn cái gì có vị ngọt.


3. Vậy mà, cách đây 5 năm, khi ấy tôi còn đi làm. Giáp Tết năm đó, trong một đợt công tác ở các huyện, lúc nghỉ giải lao, tôi lang thang ra chợ ở Khánh Vĩnh và gặp một hàng bánh thuẫn, người bán hàng đang đổ bánh. Ký ức những đêm tháng Chạp xưa ùa về, tôi thèm cái bánh má vừa lấy ra từ khuôn nóng, liền dừng lại mua một chục và ăn tại chỗ, không một chút e dè. Bánh vẫn ngon như ngày nào, có lẽ lúc ấy đói bụng, hay có thể đã thấy không khí Tết, tiết trời se lạnh nên bánh thuẫn ngon chăng?


Tôi còn gặp những khuôn bánh thuẫn với những cái tràn trên đó bánh xếp lớp ở các chợ như: Bình Tân, Ninh Hòa, Vạn Ninh trong đợt công tác huyện năm đó.


Bây giờ, bánh thuẫn không còn là món ăn được nhiều người chọn lựa. Tôi cũng vậy. Chỉ vì email của L. khiến tôi nhớ cái mùi thơm tổng hợp từ: trứng, bột, va-ni và không khí những ngày giáp Tết. Mới hiểu ra và thấm thía câu chủ đề email của L., vốn là người đã từng đi rất nhiều nước: “Bánh thửng Quy Nhơn. Không có nơi nào có trên thế giới”. Tôi biết, L. không cường điệu chút nào. Món ăn là kỷ niệm, vui - buồn, mẹ - cha, gia đình, mái nhà, hàng hiên, giếng nước, gốc cây… Thời thơ ấu qua nhanh, chỉ còn nỗi nhớ ở lại, chậm và buồn!


ĐÀO THỊ THANH TUYỀN