14:47, 17/11/2023

Đau dạ dày ở trẻ em: Cha mẹ cần làm gì để nhận diện đúng, sớm dấu hiệu

Cơn đau dạ dày ở trẻ rất dễ bị nhầm lẫn với đau bụng thông thường, do đó cha mẹ cần nhận diện đúng và sớm dấu hiệu cảnh báo bệnh dạ dày để xử lý kịp thời, không ảnh hưởng tới sức khỏe của con nhỏ.

 

(Nguồn: maxhealthcare)
(Nguồn: maxhealthcare)

 

Thấy con hay kêu đau bụng, kèm theo nôn và hay đau bụng về đêm, chị N.T.M (Cầu Giấy, Hà Nội) đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau khi thăm khám, bác sỹ chỉ định soi dạ dày và phát hiện cháu bị viêm loét dạ dày phải uống 3 loại thuốc kết hợp.

Chị M vô cùng ngạc nhiên vì không nghĩ rằng bé P.T.A - con chị mới 6 tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" mà lại có thể mắc bệnh dạ dày.

Cũng bị bệnh dạ dày, Bé T.M.D (13 tuổi ở Hà Nam) phải vào bệnh viện cấp cứu vì nôn và đau bụng dữ dội.

Theo các bác sỹ, tình trạng trẻ em mắc bệnh viêm loét dạ dày đang gia tăng và ngày càng trẻ hoá. Các bậc phụ huynh thường hay nhầm lẫn những cơn đau bụng thường hay đau bụng giun với những cơn đau dạ dày để rồi chủ quan không đưa trẻ đi khám.

Theo số liệu thống kê, trong 60% trẻ nhập viện do viêm dạ dày thì hơn một nửa đau bụng kéo dài trên 3 tháng mà chưa được điều trị, dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày, thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày,...

Đau dạ dày là gì?

Đau dạ dày hay còn gọi là đau bao tử, bệnh do lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương trong thời gian dài không được phát hiện và chữa trị dẫn đến viêm, loét. Những biểu hiện đặc trưng của đau bao tử như đau tức thượng vị, đầy bụng, khó tiêu, ợ chua, ợ hơi, chán ăn,...

Đau bao tử ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của người bệnh, nếu không điều trị kịp thời có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân dẫn tới các bệnh lý dạ dày ở trẻ em

- Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) được coi là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới bệnh viêm dạ dày và ở trẻ em cũng không ngoại lệ. Vi khuẩn này sau khi xâm nhập vào dạ dày sẽ cư trú tại lớp nhầy bao phủ bề mặt dạ dày và tiết ra các men, độc tố gây tổn thư­ơng tới niêm mạc dạ dày.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng làm gia tăng nguy cơ mắc viêm dạ dày ở trẻ như:

- Sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh không đúng chỉ định

- Chế độ ăn không phù hợp

- Trẻ bị căng thẳng, áp lực và mệt mỏi kéo dài

Trẻ em thời hiện đại có nguy cơ bị stress nhiều hơn, việc ép ăn và ép học cũng là những nguyên nhân khiến trẻ bị đau dạ dày. Các bậc phụ khuynh luôn ép con cái của họ ăn thật nhiều để nhanh lớn, nhưng nếu cho trẻ ăn quá no trẻ rất dễ ói, điều đó làm cho dạ dày không thể tiêu hóa kịp, cũng có thể dẫn đến tình trạng đau dạ dày ở trẻ. Bên cạnh đó việc trẻ học hành quá tải, lo lắng quá nhiều dẫn đến bị stress cũng tác động không tốt đến dạ dày.

Dấu hiệu cảnh báo bệnh lý dạ dày ở trẻ nhỏ

- Trẻ biếng ăn, chán ăn

- Trẻ hay đau bụng

- Trẻ hay bị đầy hơi, ợ chua và khó tiêu

- Trẻ hay nôn ói, có khi là nôn ra máu

- Trẻ đi ngoài phân đen hoặc ra máu

- Sắc mặt trẻ xanh xao và hay chóng mặt

Nhận diện các vị trí khi đau dạ dày

 

Ảnh do AI tạo ra từ Leonardo.Ai.
Ảnh do AI tạo ra từ Leonardo.Ai.

 

Đau dạ dày đôi khi không nằm ở một vị trí nhất định và không giống nhau ở mỗi người. Có thể nhận diện các vị trí đau như sau:

- Đau vùng thượng vị: Vị trí nằm dưới xương ức, trên rốn, gây đau âm ỉ căng tức khó chịu, cơn đau lây lan nhanh sang các vùng xung quanh.

- Đau vùng bụng giữa: Là khu vực chính của các cơ quan tiêu hóa, thường là xung quanh rốn, gây nên tình trạng chướng bụng, đau, ợ chua, khó tiêu, đầy hơi,…

- Đau vùng thượng vị chếch trái: Đau vùng dạ dày bên phải, thường đau âm ỉ, đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của đau bao tử.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị các bệnh lý dạ dày?

Việc cần thiết trước tiên, cha mẹ hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám khi nghi ngờ có triệu chứng. Bác sỹ chuyên khoa sẽ giúp đánh giá chính xác tình trạng của bé và chỉ định điều trị đúng cách.

Hiện nay, có nhiều biện pháp chẩn đoán các bệnh lý dạ dày chính xác như xét nghiệm máu, kiểm tra tiền sử sức khỏe, siêu âm ổ bụng, nội soi tiêu hóa…

Sau khi chẩn đoán và phát hiện nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa, bác sỹ sẽ đưa ra biện pháp điều trị tuỳ thuộc từng trường hợp

 

Đối với trẻ bị các bệnh lý dạ dày, cha mẹ cần chú trọng chế độ ăn dinh dưỡng khoa học, cân bằng và hợp lý. (Nguồn: Vinamilk)
Đối với trẻ bị các bệnh lý dạ dày, cha mẹ cần chú trọng chế độ ăn dinh dưỡng khoa học, cân bằng và hợp lý. (Nguồn: Vinamilk)

 

Đối với trẻ bị các bệnh lý dạ dày, cha mẹ cần chú trọng vào chế độ ăn khoa học và điều chỉnh thói quen sinh hoạt đúng cách cho trẻ.

- Xây dựng chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng.

- Tránh các loại thực phẩm gây kích thích niêm mạc dạ dày như đồ ăn nhanh, thức ăn cứng dai, thịt có gân/sụn, rau sống, đồ chua, đồ ăn lên men,…

- Hãy chia nhỏ bữa ăn của bé.

- Nấu chín và nấu nhuyễn thức ăn giúp trẻ dễ tiêu hóa.

- Trong bữa ăn, không để trẻ vừa ăn vừa uống nhất là uống các loại đồ uống có ga. Kể cả ăn cơm với canh cũng không nên vì như thế trẻ sẽ dễ bị không nhai kỹ mà nuốt chửng cơm.

- Trẻ còn nhỏ nên cho bú sữa mẹ và không nên cho ăn cơm quá sớm.

- Thực hiện thăm khám định kỳ và tham khảo ý kiến từ bác sỹ trong việc chăm sóc trẻ hằng ngày./.

Theo TTXVN