L.T.S: Ký ức là gì nhỉ? Là những điều tưởng chừng xa xôi nhưng lại rất gần. Một góc phố xưa lẩn khuất trên những con đường giờ đã đổi khác; một hương vị thoảng xa nhưng cứ mãi còn đọng trong tâm tưởng; hay đôi khi chỉ là chạm phải một góc quen nào đó, nên thơ và đẹp đẽ... Chỉ là những câu chuyện kể thôi, về những hồi xửa hồi xưa, về những năm tháng đã qua của mỗi người. Một địa danh, một vùng quê, hay một món ăn nào đấy… ở vùng đất xứ Trầm biển yến. Mỗi câu chuyện bạn kể biết đâu sẽ lại gợi thêm những câu chuyện mới, để mỗi ai chạm vào như chạm phải một góc quen trong mình. Đó cũng là những điều tòa soạn muốn gửi gắm thông qua chuyên mục Những vùng ký ức trên Báo Khánh Hòa Chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ số báo này. Kính mời bạn đọc cùng tham gia kể những câu chuyện ký ức của mình trên báo. Mọi thư từ, bài viết xin gửi qua email: thukyxuatban@gmail.com
Ông Nguyễn Thiên An vẫn hàng ngày lo phát triển thương hiệu Bốn Mùa. |
Dân ghiền cà phê Nha Trang chắc chắn còn giữ nhiều kỷ niệm khi đi uống cà phê những năm 1980. Thời buổi khó khăn, hạt cà phê đem từ Đắk Lắk, Bảo Lộc về đắt đỏ nên quán nào cũng hầu như bán loại cà phê pha trộn, phổ biến là lấy một ít cà phê trộn với bắp rang, đậu nành rang với tỷ lệ đậu, bắp tùy tâm… Ly cà phê pha ra đen kịt, có chút mùi cà phê, còn uống vị đắng khét. Chính thời điểm ấy có những người dám nghĩ khác, làm khác, đã mạnh dạn chế biến cà phê nguyên chất để bán. Đó là cà phê Bốn Mùa nổi tiếng Nha Trang!
Nguồn gốc một thương hiệu
Những ai sống ở Nha Trang thập niên 1980 - 1990 hẳn còn nhớ Công ty Du lịch Khánh Hòa đình đám một thời. Những khách sạn của công ty nằm trên những vị trí đẹp nhất của con đường biển Trần Phú: Khách sạn Hải Yến, khu cửa hàng 24-26, khách sạn Thống Nhất (giờ là khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang)… và nổi tiếng nhất là Cửa hàng giải khát Bốn Mùa nằm phía đông đường Trần Phú. Có thể nói đó là cửa hàng cà phê có vị trí đẹp nhất Nha Trang khi đó. Cửa hàng giải khát Bốn Mùa khi đó chia 3 ô. Ô số 1 là nơi bán đồ điểm tâm, ô số 2 có quầy bar và bán giải khát, ô số 3 nằm giáp với Tháp Trầm Hương bây giờ có các dịch vụ cho khách tắm biển.
Thời ấy, khách du lịch đến Nha Trang rất thích ngồi ở Bốn Mùa để uống cà phê ngắm biển. Thoạt đầu, cà phê nơi đây cũng bán loại trộn như các nơi khác, chẳng có gì khác biệt. Khác chăng là có vị trí quá đẹp. Ông Nguyễn Thiên An - nguyên Giám đốc Trung tâm Du lịch Bốn Mùa, người gắn bó và phát triển thương hiệu cà phê Bốn Mùa từ những ngày đầu nhớ lại: “Người có công mở đầu cho nhãn hiệu cà phê Bốn Mùa là ông Long, chủ một cơ sở chế biến cà phê, người dân tộc Chăm. Khoảng cuối năm 1984, ông đến cửa hàng chào bán loại cà phê do cơ sở của ông chế biến nguyên chất, không pha trộn. Cà phê của ông khi đó rang tẩm trong ống gang, mỗi mẻ khoảng 8 ký, có chất lượng khác hẳn so với tất cả các loại trên thị trường. Cà phê được mọi người thưởng thức khen ngon, ai đã uống một lần sẽ không quay lại với món cà phê bắp nữa”.
Cà phê Bốn Mùa chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ vào năm 1988. Khi ấy, ông An được điều về làm cửa hàng trưởng. Ông cùng đội ngũ phát triển kinh doanh, tập trung cho ngành cà phê và đổi tên thành Trung tâm Du lịch Bốn Mùa. Khi đó, ông Long đã già nên không tiếp tục nghề nữa, ông đồng ý chuyển giao công nghệ chế biến cho trung tâm. Theo đà phát triển, trung tâm đầu tư máy chế biến. Những bí quyết pha tẩm, chế biến gia truyền nay được phân tích dưới góc độ khoa học nên hàng ra số lượng nhiều, chất lượng ổn định. Còn nhớ thời gian ấy, những người ghiền cà phê cứ phải tốn công tốn sức đến Bốn Mùa để uống ly cà phê. Nói tốn công tốn sức là vì khách hàng rất đông, cung cách phục vụ của trung tâm thì… như thời mậu dịch quốc doanh, nên chờ dài cổ mới có đồ uống. “Có những ngày cửa hàng bán tới 4.000 ly cà phê, hỏi nhân viên đâu ra phục vụ cho kịp. Hồi đó, doanh số từ cà phê chiếm tới hơn 70% doanh số của trung tâm…”, ông An tự hào nhớ lại.
Khúc ngoặt Bốn Mùa
Công việc tưởng cứ vậy êm đềm trôi đi thì khoảng năm 2010 - 2011, tỉnh chủ trương tái cơ cấu công ty, thực hiện cổ phần hóa, liên doanh liên kết. Trung tâm Du lịch Bốn Mùa khi đó liên doanh với một đối tác bên ngoài trở thành Công ty liên doanh E-Land Four Seasons. Có chủ mới thì yêu cầu với người lao động cũng phải mới, không như thời trước. Năm 2011, ông An khi đó là Phó Tổng Giám đốc liên doanh cùng hàng loạt nhân viên xin nghỉ việc, ra ngoài tự làm ông chủ. Thời điểm này, ông đã nghĩ tới chuyện đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu. Từ năm 2012, cà phê Bốn Mùa đã đăng ký độc quyền 4 nhãn hiệu: Bốn Mùa Nha Trang, Bốn Mùa đam mê, Bốn Mùa xưa và Bốn Mùa New blend.
Cửa hàng giải khát Bốn Mùa những năm 2000. Ảnh: Internet |
Ông An trầm tư: “Nhãn hiệu cà phê Bốn Mùa là tài sản trí tuệ còn lại, gợi nhớ kỷ niệm một thời cửa hàng xưa. Đăng ký bảo hộ vậy theo đúng quy định pháp luật, nhưng cái chính là chúng tôi muốn giữ nồi cơm cho anh chị em cũ của cửa hàng. Anh chị em lao động quá nửa đời người đi làm cho công ty, lãnh lương tháng thành nếp quen rồi, nay đùng một cái nghỉ việc, tâm lý sốc ghê lắm! Thôi thì bám vào thương hiệu của mình, về nhà bán cà phê Bốn Mùa cũng sống tốt”. Đó là lý do cửa hiệu cà phê Bốn Mùa hiện nay ở Nha Trang rất nhiều. Ông An cho biết, những quán này không nhiều thì ít đều liên quan đến cái gốc Bốn Mùa xưa. Ông mừng cho anh chị em vẫn bám vào nghề để sống tốt.
Khi được hỏi điều gì làm nên thương hiệu Bốn Mùa một thuở, ông An cười, chẳng giấu giếm gì. Bởi theo ông, ai chế biến cà phê cũng đều biết thành phần cơ bản như nhau: Hạt cà phê, bơ, đường, muối và chút rượu. Ngày trước thì có dùng riêng mỡ gà chứ không dùng bơ cho thị trường Nha Trang, nhưng sau này không dùng nữa. Vấn đề là kỹ thuật rang, ủ, xay với tỷ lệ riêng và quan trọng nhất làm nghề chế biến thực phẩm phải có tâm. Đơn cử như cà phê Bốn Mùa hiện nay được kiểm soát chất lượng đầu vào rất nghiêm ngặt. Cà phê nguyên liệu hợp đồng riêng với một số trang trại của Đắk Lắk cung cấp, quá trình chăm sóc và thu hoạch được kiểm soát tỉ mỉ, ghi chép rõ ràng, từ chế độ phân bón đến ngày thu hoạch...
***
Nha Trang hiện nay có biết bao nhãn hiệu cà phê. Mỗi nhãn hiệu có một bí quyết sản xuất riêng, cách hướng vào phân khúc khách hàng riêng. Nhưng một thương hiệu ra đời từ những năm tháng gian khó của thời bao cấp như Bốn Mùa đã làm nên điểm nhớ của Nha Trang, gắn bó với nhiều thế hệ luôn có một vị trí riêng trong tình cảm của mọi người. Bởi nâng ly cà phê lên, hương vị thân quen đưa người ta trở về với cửa hàng mang tên Bốn Mùa bên con đường Trần Phú còn nguyên sơ.
THỦY NGÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin