Theo y học cổ truyền, sài đất có tính mát, thanh nhiệt, giải độc,… thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị các tình trạng rôm sảy, viêm da và một số bệnh lý khác.
Theo y học cổ truyền, sài đất có tính mát, thanh nhiệt, giải độc,… thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị các tình trạng rôm sảy, viêm da và một số bệnh lý khác.
Từ xưa sài đất được sử dụng giúp giảm các tình trạng ngứa da, rôm sảy, viêm da và hỗ trợ điều trị một số bệnh về xương khớp, viêm bàng quang, viêm gan,... Đây là loại thảo dược tự nhiên mà chúng ta có thể ứng dụng đối với sức khoẻ.
1. Tìm hiểu chung về cây sài đất
Cây sài đất có tên khoa học là Wedelia calendulacea Less. Thuộc họ Cúc Asteraceae. Loại cây này có nhiều tên gọi khác nhau như húng trám, ngổ núi, cúc nháp, cúc giáp.
Lá sài đất thường không có cuống, mọc đối nhau, hình bầu dục thon dài, hai đầu lá nhọn và có lông nhỏ cứng ở hai mặt lá, ở mép có 1 đến 3 răng cưa nông. Hoa của loại cây này có màu vàng tươi, nhiều cánh và mọc đơn lẻ. Quả có kích thước nhỏ, nhẵn không có lông.
Sài đất ưa sống ở những nơi ẩm, mát và thường mọc hoang ở các bờ ruộng. Tuy nhiên, sài đất mọc bò lan trên mặt đất nên dễ nhầm lẫn với sài đất giả hoặc lỗ địa. Đặc điểm để phân biệt các loại cây này với nhau đó là hoa của sài đất có màu vàng tươi, hoa của 2 loại cây còn lại có màu vàng nhạt, lá nhỏ hơn.
Sài đất có chứa một số hoạt chất như Phytosterol, carotene, chlorophylle. Nhựa cây có chứa đường, tanin, silic, mucin, saponin, pectin,… Trong lá cây có chứa các chất wedelolacton, norwedelic acid, demethyl wedelolactone, muối và nhiều chất vô cơ có lợi khác. Đặc biệt, trong sài đất có chứa hợp chất saponin triterpen được đánh giá tương tự như chất saponin ro có trong nhân sâm.
Nhờ có các hợp chất, hoạt chất có lợi đối với sức khỏe nên các bộ phận của sài đất đều được tận dụng làm các vị thuốc, hỗ trợ điều trị một số bệnh lý.
2. Công dụng của cây sài đất
Sài đất được đưa vào nghiên cứu và xem các công dụng đối với sức khỏe con người. Theo đó, sài đất được cho rằng có thể sử dụng để hỗ trợ trị mụn, lở, chàm, rôm sảy ở trẻ em nhờ có đặc tính kháng khuẩn. Bên cạnh đó, sài đất còn được dùng để chữa viêm cơ, sốt xuất huyết, giải độc tiêu viêm, điều trị rối loạn chức năng thận, cảm lạnh, vô kinh và trị viêm tuyến vú.
Ngoài ra, sài đất còn có khả năng hỗ trợ điều trị thoái hóa đốt sống lưng và các bệnh liên quan đến xương khớp khác, kháng viêm, bảo vệ thần kinh, bảo vệ gan và kháng khuẩn, kháng các dòng tế bào ung thư mạnh, nhất là ung thư tiền liệt tuyến.
Đặc biệt, loại cây này được báo cáo một cách khoa học là có đặc tính chống oxy hóa, điều này cho thấy tính hữu ích của sài đất trong việc giảm lo lắng và căng thẳng.
3. Cách sử dụng cây sài đất hỗ trợ điều trị rôm sảy, viêm da
Vì trong sài đất có chứa các hợp chất có tính kháng khuẩn nên rất hữu ích trong việc điều trị rôm sảy và viêm da trong mùa nắng nóng.
Mọi người chỉ cần sử dụng khoảng 50g lá sài đất, đem rửa sạch sau đó đun thành nước tắm. Mỗi ngày tắm một lần với nước lá cây này cho đến khi các triệu chứng rôm sảy, viêm da không còn.
Ngoài ra, mọi người có thể đun nước lá sài đất để hỗ trợ giảm rôm sảy, mụn nhọt, viêm da theo 2 cách:
- Nếu sử dụng lá tươi, đem 100g lá sài đất giã nát với muối, thêm 100ml nước đun sôi để nguội, lọc lấy cốt để uống, còn phần bã có thể đắp lên các vùng da bị mụn rôm, viêm da.
- Nếu sử dụng lá khô, đem khoảng 50g lá sài đất đun với 500ml nước, sắc và cô cho đến khi còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.
Đối với những trường hợp bị chàm, viêm da, ngoài cách thực hiện trên, mọi người có thể kết hợp sài đất với kim ngân hoa, kinh giới, lá khế chua, rau má đun thành nước tắm hàng ngày.
Một số bài thuốc dân gian khác từ cây sài đất
Một số bài thuốc dân gian khác từ cây sài đất để hỗ trợ điều trị một số bệnh lý:
-
Hỗ trợ điều trị viêm gan, vàng da: Sử dụng Kim ngân 20g, sài đất 20g, thổ phục linh 20g, cam thảo đất 12g. Sắc và cô các vị thuốc còn khoảng 200ml, đem chia làm 2 lần uống trong ngày.
-
Hỗ trợ điều trị viêm bàng quang: Đem đun sài đất 30g, liên kiều 20g, bồ công anh 20g, mã đề 20g, cam thảo 16g với 1 lít nước đến khi thuốc cô lại còn 1/3. Lọc lấy phần nước để uống sau bữa ăn trưa và bữa ăn tối.
-
Hỗ trợ điều trị cảm cúm: Kết hợp 10g sài đất, 10g kinh giới, 30g kim ngân hoa với 10gr tía tô, 10g cam thảo đất và 3g lá sinh khương, 2g mạn kinh, đun với khoảng 1 lít nước. Đun với lửa nhỏ đến khi còn một nửa lượng nước, lọc lấy phần nước chia thành 2 phần, uống trong ngày.
4. Một số lưu ý khi sử dụng cây sài đất
Mặc dù có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, tuy nhiên, khi sử dụng sài đất mọi người nên lưu ý một số vấn đề sau để đảm bảo an toàn:
- Khi sử dụng sài đất để uống như một vị thuốc, mọi người nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc Đông Y, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, nhưng người có bệnh lý mãn tính.
- Khi dùng sài đất để làm nước tắm, mọi người nên lựa chọn kỹ, đảm bảo cây không chứa thuốc trừ sâu.
- Khi uống hoặc tắm nước cây sài đất mà thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, mọi người nên ngưng sử dụng và đến bệnh viện thăm khám.
- Sài đất chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh lý, không thay thế được các chỉ định của bác sĩ. Do đó, bạn nên điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo Phụ nữ Việt Nam