Với mong muốn sinh sản nhân tạo san hô, giảm thiểu áp lực khai thác ngoài tự nhiên, 1 năm qua, nhà khoa học Đoàn Văn Thân (29 tuổi, Phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển...
Với mong muốn sinh sản nhân tạo san hô, giảm thiểu áp lực khai thác ngoài tự nhiên, 1 năm qua, nhà khoa học Đoàn Văn Thân (29 tuổi, Phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển, Bảo tàng Hải dương học, Viện Hải dương học (TP. Nha Trang) đã ngụp lặn dưới đáy biển ở vịnh Nha Trang đem về những mẫu san hô, nghiên cứu nuôi sống trong môi trường nhân tạo.
Là nhà khoa học trẻ phụ trách Phòng Trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa, anh Thân còn là thợ lặn trong các chuyến nghiên cứu của Viện Hải dương học. Anh chia sẻ, qua những chuyến khảo sát, trực tiếp lặn xuống biển ở vịnh Nha Trang, anh không khỏi xót xa khi chứng kiến những rạn san hô tuyệt đẹp bị khô cứng, gãy nát, chết do ảnh hưởng bởi các yếu tố như: Nước biển bị ô nhiễm, thời tiết, tác động của con người… Từ thực tế đó, qua các chuyến khảo sát, thu thập mẫu san hô để nghiên cứu, anh đã nung nấu ý tưởng và đề xuất viện được phép thí nghiệm nuôi san hô ở môi trường nhân tạo.
Được sự đồng ý, tạo điều kiện và cấp kinh phí của viện để mua bể lọc, bể nuôi, đèn, máy lạnh, máy làm mát nước…, anh Thân bắt đầu nghiên cứu nuôi san hô. San hô có 3 nhóm chính là san hô cứng (còn gọi là san hô đá), san hô sừng và san hô mềm. Anh chọn nghiên cứu nuôi san hô cứng bởi đây là loại khó nuôi nhất. Hiện nay, trong bể nuôi của anh có 8 loài san hô cứng, 6 loài san hô mềm. Trong những chuyến lặn biển, anh còn chọn những khối đá san hô chết đem vào bể nhân tạo để cấy ghép san hô lên đá. Anh cho biết, điều khó khăn nhất trong việc nuôi san hô là phải giữ nước sạch và hàm lượng chất trong bể không dao động, vì hàm lượng chất nhiều quá hay ít quá san hô sẽ chết.
Không có nhiều chuyên môn về việc nuôi san hô, anh tự mày mò nghiên cứu qua sách vở, mạng Internet… Nguyên tháng đầu tiên, anh hầu như phải dành cả ngày “ăn ngủ” cùng san hô để quan sát, thực hiện đo hàm lượng chất trong bể, từ đó bổ sung các chất dinh dưỡng cho phù hợp để nuôi sống san hô. Trong bể san hô, anh còn nuôi cá rạn san hô bởi phân cá cũng là chất dinh dưỡng để san hô hấp thụ và phát triển. Sau một năm miệt mài thu thập mẫu, nghiên cứu, đến nay, bể san hô nhân tạo của anh với 8 loài san hô cứng, 6 loài san hô mềm đều sống và phát triển. “Đây là cơ sở để tôi xây dựng đề án lớn hơn về phát triển nhân giống san hô từ môi trường nhân tạo mà tôi đã ấp ủ từ lâu. Bên cạnh đó, việc phát triển san hô cũng nhằm mục đích trưng bày, làm đẹp cho Viện Hải dương học đón các đoàn khách tham quan lồng ghép tuyên truyền bảo vệ môi trường biển”, anh hào hứng chia sẻ.
Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết, hệ thống san hô trưng bày của viện trước đây thường thu thập ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, định hướng của viện trong những năm gần đây là không khai thác san hô ngoài tự nhiên nữa, mà những loài san hô phải được sinh sản nhân tạo để đáp ứng nhu cầu trưng bày. Chính vì vậy, viện luôn định hướng và khuyến khích từng cán bộ trong Phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển tự mày mò, tìm hiểu, đọc sách… để xây dựng phát triển, nuôi san hô. Việc sinh sản trong môi trường nhân tạo không chỉ áp dụng cho san hô mà cả các loài sinh vật biển khác để giảm thiểu khai thác cạn kiệt ngoài tự nhiên.
THÁI THỊNH