03:02, 23/02/2021

Đẩy lui chuột rút khi ngủ với cách khắc phục hiệu quả này

Bị chuột rút khi ngủ là hiện tượng thường gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy dạng chuột rút này không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại là nỗi ám ảnh của nhiều người, thậm chí gây nên chứng mất ngủ về đêm.

Bị chuột rút khi ngủ là hiện tượng thường gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy dạng chuột rút này không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại là nỗi ám ảnh của nhiều người, thậm chí gây nên chứng mất ngủ về đêm.
 
Biểu hiện chuột rút khi ngủ là sự co thắt cơ đột ngột không tự ý, đa số các trường hợp xảy ra ở cơ bắp chân, thỉnh thoảng tình trạng này gặp ở cơ đùi và cơ bàn chân.
 
Hiện tượng chuột rút lúc ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường có xu hướng gia tăng dần theo độ tuổi.
 
Chuột rút lúc ngủ đa phần xảy ra ở vùng chân, hay gặp nhất là ở cơ bắp chân, bàn chân, mắt cá chân và ngón chân. Nếu bệnh nhân bị chuột rút ở đùi, cơ đùi trước, cơ đùi sau.
 
Đối với người bình thường khỏe mạnh, đôi khi cũng gặp phải chuột rút vào bất cứ thời điểm nào đó trong ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng chuột rút khi ngủ tái phát nhiều lần thì bệnh nhân cần đi khám và chẩn đoán chính xác vì rất có thể đó là dấu hiệu tiềm ẩn của một bệnh lý nào đó.

 

Chuột rút khi đang ngủ gây đau nhức, khó chịu, là thủ phạm gián tiếp gây nên chứng mất ngủ về đêm. Đồ họa: Minh Quang
Chuột rút khi đang ngủ gây đau nhức, khó chịu, là thủ phạm gián tiếp gây nên chứng mất ngủ về đêm. Đồ họa: Minh Quang

 

Khi gặp phải tình trạng này, bạn cần hiểu được nguyên nhân gây nên các cơn chuột rút, từ đó có những biện pháp thay đổi phù hợp:
 
Lạnh chân
 
Bệnh nhân bị chuột rút vào ban đêm có thể do gió từ quạt hoặc từ bên ngoài trời thổi vào chân. Thường vào mùa hè, luồng gió từ quạt hoặc máy lạnh thổi trực tiếp vào chân. Vào đêm đông, trời trở lạnh, khí trời luồn vào phòng, bệnh nhân không mang tất.
 
Vận động quá sức
 
Vào ban ngày, người bệnh vận động quá sức, khiến cơ bắp mỏi mệt hoặc chấn thương. Quá trình vận động sẽ làm tiêu hao lượng đường ở gan, nếu tiêu hao quá mức mà không kịp bổ sung calo cho cơ thể, sẽ khiến chân dễ bị chuột rút về đêm.
 
Thiếu nước và mất cân bằng chất điện giải
 
Cơ thể thường xuyên bị thiếu nước, bổ sung nước không đủ lượng cần thiết trong ngày là nguyên nhân dẫn đến chuột rút vào ban đêm.
 
Vận động quá mức, phơi nắng lâu, hoạt động ngoài trời thường gây đổ nhiều mồ hôi, khiến cho cơ thể bị mất rất nhiều nước và chất điện giải.
 
Nếu không được bổ sung đầy đủ nước và điện giải, ban đêm sẽ dễ bị chuột rút khi ngủ.
 
Ngoài ra, thói quen uống trà lợi tiểu, uống cà phê cũng sẽ khiến cơ thể bị thiếu nước và mất cân bằng chất điện giải.
 
Thiếu hụt các chất dinh dưỡng
 
Chế độ ăn uống mất cân đối, không hợp lý dẫn đến cơ thể thiếu chất dinh dưỡng như canxi, magie, kali,... Việc thiếu đi các khoáng chất thiết yếu sẽ gây mất cân bằng chất điện giải, dẫn đến tình trạng chuột rút lúc ngủ.
 
Phụ nữ mang thai
 
Phụ nữ mang thai là đối tượng có tỷ lệ bị chuột rút khá cao do cơ thể tăng tích trữ nước và mất cân bằng chất điện giải, kèm theo đó là sức nặng của thai nhi, khiến cho tuần hoàn máu ở chân kém đi.
 
Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể dẫn đến hạ canxi máu, cũng là nguyên nhân làm cho thai phụ bị chuột rút vào ban đêm.
 
Tâm trạng căng thẳng, lo lắng
 
Những người thường bị áp lực, căng thẳng quá độ sẽ dễ bị chuột rút khi ngủ, vì tình trạng căng thẳng có thể khiến cho các hormon trong cơ thể bị mất cân bằng, nhịp tim nhanh, huyết áp cao.
 
Để hạn chế xảy ra chuột rút vào ban đêm, người bệnh nên tích cực vận động, tập thể dục đều đặn, thường xuyên để giúp lưu thông khí huyết.
 
Buổi tối trước khi đi ngủ, nên vận động cơ bắp nhẹ nhàng hoặc tập kéo căng cơ bắp chân vài phút trước khi vào giấc ngủ. Ban ngày, người bệnh có thể đi bộ, chạy bộ, bơi lội, tập đạp xe để vận động cho đôi chân của mình
 
Theo Lao động