03:06, 20/06/2020

9 cách đơn giản ngăn ngừa bệnh về đường ruột, tiêu hóa

Bệnh về đường ruột, tiêu hóa là một trong những bệnh phổ biến nhất hiện nay. Thế nhưng, việc chẩn đoán và chữa trị dứt điểm các bệnh này lại không hề đơn giản.

Bệnh về đường ruột, tiêu hóa là một trong những bệnh phổ biến nhất hiện nay. Thế nhưng, việc chẩn đoán và chữa trị dứt điểm các bệnh này lại không hề đơn giản.

 

ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

 

Đối với một số người, bị chứng đầy hơi hằng ngày, táo bón hoặc co thắt ruột, có thể thực hiện 9 bước đơn giản sau đây, theo Realsimple.
 
1. Tăng cường thực phẩm chứa men vi sinh
 
Các thực phẩm giàu men vi sinh tự nhiên như dưa muối chua, tương đậu nành, sữa chua. Các vi sinh vật có lợi góp phần lớn trong việc tăng cường sức khỏe đường ruột.
 
Các loại thực phẩm như chuối vừa chín, tỏi, hành tây, các loại đậu, yến mạch, là nguồn cung cấp thức ăn và nuôi dưỡng các vi sinh vật có lợi cho đường ruột, phối hợp để duy trì sự cân bằng vi khuẩn tốt trong ruột, thạc sĩ Rebecca Ditkoff, chuyên gia dinh dưỡng, người sáng lập Trung tâm dinh dưỡng (Mỹ), cho biết.
 
2. Ăn nhiều chất xơ
 
Chế độ ăn giàu chất xơ giúp đẩy thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa, chống táo bón, ngăn ngừa bệnh túi thừa, bệnh trĩ và hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, quá nhiều chất xơ có thể gây hại cho sức khỏe, vì vậy hãy ăn cân bằng, theo The Health Side.
 
3. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo
 
Thực phẩm giàu chất béo có xu hướng làm chậm quá trình tiêu hóa, khiến dễ bị táo bón. Nhưng vẫn cần phải tiêu thụ một lượng chất béo vừa đủ. Kết hợp thực phẩm giàu chất béo với thực phẩm giàu chất xơ có thể làm cho việc tiêu hóa được dễ dàng hơn.
 
4. Chọn thịt nạc
 
Protein là phần thiết yếu của chế độ ăn uống lành mạnh, nhưng việc cắt giảm chất béo của thịt có thể dẫn đến rắc rối với tiêu hóa. Khi bạn ăn thịt, bạn nên chọn thịt nạc, như thịt heo nạc và thịt gia cầm không da, theo The Health Side.
 
5. Uống nhiều nước
 
Uống nước giúp cơ thể phân hủy thức ăn. Nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hòa tan vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác trong thức ăn. Uống đủ nước, giúp cho hoạt động của hệ tiêu hóa tốt hơn, ngăn ngừa táo bón.
 
6. Ăn chậm và nhai kỹ
 
Khi nhai thức ăn, miệng sẽ tiết ra các men tiêu hóa bắt đầu phân hủy thức ăn trước khi nó đến dạ dày. Nhai kỹ thức ăn có thể làm giảm đầy hơi sau bữa ăn. Ăn chậm, nhai kỹ giúp cơ thể tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn hiệu quả hơn, theo Realsimple.
 
7. Ăn đúng giờ
 
Để tiêu thụ bữa ăn và đồ ăn nhẹ theo lịch trình thường xuyên có thể giúp giữ cho hệ tiêu hóa ở trạng thái tốt nhất. Đặt mục tiêu ngồi xuống ăn sáng, ăn trưa, ăn tối và ăn nhẹ cùng một giờ mỗi ngày, theo The Health Site.
 
8. Tránh thực phẩm gây kích ứng
 
Các triệu chứng như táo bón, đau đầu, ợ nóng, mệt mỏi, đầy hơi hoặc khó nuốt có thể là dấu hiệu không dung nạp thực phẩm.
 
Mỗi người sẽ có một số loại thực phẩm gây kích ứng hoặc không dung nạp khác nhau, cần chú ý theo dõi phản ứng của cơ thể, nhằm biết được những loại thực phẩm này để tránh.
 
9. Dùng sinh tố thay nước ép
 
Chất xơ trong trái cây và rau quả giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động và làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu. Sinh tố xay cung cấp lượng chất xơ nhiều hơn, tạo cảm giác no hơn. Nên uống sinh tố ít đường thay vì nước ép trái cây để giữ cho đường ruột thoải mái và ổn định lượng đường trong máu.
 
Tuy nhiên, nếu bị rối loạn tiêu hóa mạn tính, nên đi khám bác sĩ, theo Realsimple.
 
Theo Thanh niên