10:03, 05/03/2019

Các cơ sở sản xuất nước mắm ở Nha Trang: Khó mở rộng sản xuất

Hiện nay, khu vực sản xuất nước mắm tại TP. Nha Trang không còn đáp ứng được quy mô sản xuất. Nhiều doanh nghiệp nhận được các đơn hàng lớn, song vì quy mô sản xuất có giới hạn nên không thể ký kết hợp đồng.

Hiện nay, khu vực sản xuất nước mắm tại TP. Nha Trang không còn đáp ứng được quy mô sản xuất. Nhiều doanh nghiệp (DN) nhận được các đơn hàng lớn, song vì quy mô sản xuất có giới hạn nên không thể ký kết hợp đồng.


Ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh


Những năm qua, người dân cũng như các chủ cơ sở sản xuất nước mắm liên tục kiến nghị chính quyền di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư vừa để đảm bảo môi trường, vừa thuận tiện cho việc mở rộng sản xuất, phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, đã hơn 10 năm trôi qua, những kiến nghị này vẫn là bài toán đang được xem xét. Thiếu mặt bằng, không thể đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất khiến nhiều hộ phải bỏ nghề, số lượng hộ làm nước mắm sụt giảm. Từ chỗ có hơn 100 cơ sở, đến thời điểm hiện tại TP. Nha Trang chỉ còn khoảng 30 cơ sở làm nước mắm truyền thống, với năng lực sản xuất gần 20 triệu lít/năm. Một số DN đã tự đi tìm vị trí đất phù hợp để chuyển đến xây nhà xưởng mới. Các DN còn lại hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong mở rộng sản xuất.

 

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang.


Ông Huỳnh Ngọc Diệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang cho biết: “DN chúng tôi đã có uy tín trên thị trường, những năm gần đây, thị phần của DN tăng, nhu cầu về mở rộng quy mô sản xuất rất lớn. Tuy nhiên, với địa điểm hiện tại chúng tôi không thể mở rộng sản xuất. DN muốn đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh với các DN khác cũng không dễ dàng vì thiếu mặt bằng và chưa có một quy hoạch cụ thể cho khu vực sản xuất nước mắm”. Hiện nay Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang đang phải bố trí cơ sở sản xuất tại nhiều địa điểm, phân tán ở nhiều địa phương. Điều này khiến DN gặp rất nhiều bất lợi trong quá trình phát triển. Đã nhiều lần công ty xin được thuê đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, song không được chấp nhận bởi cơ quan chức năng lo ngại sẽ ảnh hưởng tới các DN sản xuất mặt hàng khác. Mới đây, DN tiếp tục xin được thuê đất để mở một xưởng đóng gói sản phẩm tại Cụm công nghiệp Đắc Lộc nhưng cũng phải chờ xem xét.


Ông Đỗ Hữu Việt - Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Nha Trang khẳng định: “Không có mặt bằng thì DN không dám đầu tư vì không biết khi nào phải di dời. Nhưng nếu không đầu tư thì mặt bằng hiện trạng lại quá chật chội và DN không thể phát triển được. Hiện nay các DN, hộ sản xuất mong muốn được di dời làng nghề nước mắm Nha Trang ra khỏi thành phố. Đây là mong muốn của tất cả các DN, các hộ sản xuất nước mắm trên địa bàn”.


“Chiếc áo quá chật”


Theo Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, các DN, cơ sở sản xuất nước mắm tại Nha Trang tập trung chủ yếu ở phường Vĩnh Trường và phường Phước Long. Thời gian gần đây, do yêu cầu của quy trình sản xuất và những đòi hỏi gắt gao của thị trường, khu vực làng nghề này đã không còn phù hợp và quá chật chội cho sản xuất nước mắm. Bên cạnh đó, việc các cơ sở sản xuất nước mắm nằm xen lẫn với khu dân cư đã gây trở ngại khá nhiều trong việc sản xuất cũng như phân phối sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, dân số ở khu vực này ngày càng tăng nên những mâu thuẫn liên quan đến môi trường liên tục xảy ra.


Ông Nguyễn Hoài Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Thành Sơn (nhãn hiệu Nước mắm Châu Sơn) cho biết: “Khu vực Cửa Bé, Bình Tân của phường Vĩnh Trường và Phước Long trước đây cả trăm hộ làm mắm nhưng quy mô nhỏ. Bây giờ chỉ còn vài chục hộ, nhưng nhu cầu sản xuất lớn hơn rất nhiều. Vì thế, cả khu vực này như một chiếc áo quá chật cho làng nghề nước mắm. Hạ tầng nói chung không còn phù hợp cho các DN, cơ sở sản xuất nước mắm vì đường sá đi lại, vận chuyển của làng nghề thì quá nhỏ. Bài toán về môi trường cũng là trở ngại lớn nhất hiện nay.


Các DN muốn khắc phục tình trạng này chỉ có cách chuyển ra khỏi khu vực hiện tại, nhưng chuyển đi đâu cũng là một vấn đề”.


Bà Ngô Thị Lan, chủ một cơ sở sản xuất nước mắm ở phường Vĩnh Trường, có hơn 40 năm gắn bó với nghề sản xuất nước mắm chia sẻ: “UBND tỉnh đã có thông báo sẽ di dời làng nước mắm nhiều năm nay nhưng chưa có kết quả, đến nay tôi vẫn chưa biết phải di dời đi đâu. Cơ sở xây dựng lâu năm, nay có một phần xuống cấp, tôi muốn nâng cấp, sửa chữa cơ sở nhưng không dám làm vì đang chờ đợi di dời”.


Hiện các DN, cơ sở sản xuất nước mắm đang rất lúng túng trong việc mở rộng quy mô sản xuất bởi khu vực Vĩnh Trường, Phước Long đã không còn quỹ đất phù hợp cho nghề truyền thống này. Song nếu tự phát chuyển ra các khu vực mới như một số hộ đang làm thì cũng không phải là cách làm lâu dài. “Do đó, trước mắt các DN chỉ sản xuất cầm chừng. Nhiều khách hàng đặt hàng với số lượng lớn cũng phải từ chối, chỉ đảm bảo đơn hàng cho những bạn hàng truyền thống. Bây giờ tỉnh bố trí được đất là chúng tôi di dời ngay. Phải có địa điểm phù hợp thì làng nghề nước mắm truyền thống Nha Trang mới phát triển được và tránh bị mai một”, ông Nguyễn Hoài Sơn chia sẻ.


ĐÌNH LÂM