22 giờ, không gian tĩnh mịch ở cảng cá Đá Bạc (TP. Cam Ranh) như bị khuấy động bởi tiếng người cười nói xen lẫn với tiếng động cơ hướng về cầu cảng; những bước chân hối hả của những người mưu sinh trên cảng, những chủ đò thúc giục các thanh niên nhanh tay đưa hàng hóa lên đò, ra đảo…
22 giờ, không gian tĩnh mịch ở cảng cá Đá Bạc (TP. Cam Ranh) như bị khuấy động bởi tiếng người cười nói xen lẫn với tiếng động cơ hướng về cầu cảng; những bước chân hối hả của những người mưu sinh trên cảng, những chủ đò thúc giục các thanh niên nhanh tay đưa hàng hóa lên đò, ra đảo… Một đêm không ngủ ở cảng cá Đá Bạc thường bắt đầu như thế.
Đưa chúng tôi tham quan một vòng quanh cảng cá, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng ban quản lý cảng Đá Bạc giới thiệu: “Đây là một cảng tổng hợp, không chỉ phục vụ nhu cầu của các tàu đánh cá, cảng còn có chức năng của một bến dân sinh khi toàn bộ việc đi lại, hàng hóa của người dân ra vào các đảo Bình Ba, Bình Hưng đều qua cảng này. Đặc biệt khoảng 2 năm trở lại đây khi “bến sò” (nơi tập trung thức ăn nuôi trồng thủy sản) được đưa về cảng thì không khí càng thêm náo nhiệt, sôi động nhất là khoảng 22 giờ hôm trước cho đến tận sáng hôm sau. Đêm nào cũng có chừng 50 tàu cập cảng để đưa hàng hóa đi, vào các mùa trăng khi tàu khai thác xa bờ trở về thì cảng còn đón hàng chục tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh”.
Chúng tôi chen chân vào bến sò, hàng chục nhân công vẫn đang thâu đêm xúc sò từ những bao tải lớn đổ vào các túi ni lông nhỏ hơn chừng 10kg/bao. Bà Đoan - người kinh doanh thức ăn thủy sản, cho hay: “Chỉ riêng vựa của chúng tôi, mỗi đêm cần ít nhất 15 nhân công để xúc khoảng 10 tấn sò và cắt nhỏ cá để gửi cho bạn hàng là những người nuôi trồng thủy sản ở Bình Ba, Bình Hưng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, đều đặn từ 22 giờ đêm, tôi lại ra cảng để đốc thúc người làm, lo sổ sách và tìm đò quen để gửi hàng đi”.
Cảng Đá Bạc là nơi mưu sinh của khá đông phụ nữ làm nghề phân loại, sơ chế, đóng gói thức ăn dành cho các loại thủy sản nuôi. Đang lúi húi xúc sò vào túi ni lông, bà Thiện - người dân phường Cam Linh (TP. Cam Ranh) chia sẻ: “Công việc của những người mưu sinh trên cảng tuy vất vả lại phải thức đêm nhưng bù lại thu nhập khá cao, khoảng 250.000 - 300.000 đồng/người. Ngày nắng cũng như ngày mưa, những người mưu sinh trên cảng làm việc từ khuya cho đến rạng sáng. Lúc nào tàu cá cập cảng thì chị em chuyển sang gánh cá thuê”.
Cảng cá Đá Bạc còn là nơi mưu sinh của hơn 20 tài xế xe lôi, hàng chục người khuân vác và cũng là nơi tìm kế sinh nhai của rất nhiều chủ tàu vận chuyển hàng hóa đi lại như con thoi giữa đất liền và các đảo. Ông Năm - chủ tàu chuyên chở hàng đi Bình Ba cho hay: “Tàu của gia đình tôi đúng nghĩa là tàu vận tải, hàng hóa nào cũng chở, ai thuê gì chở nấy từ gạch ngói, sắt thép đến thức ăn thủy sản, nhu yếu phẩm từ đất liền ra đảo… Cứ 22 giờ đêm tôi lại cho tàu cập cảng để “ăn hàng”, khoảng 4 giờ sáng thì tàu bắt đầu rời cảng; đến trưa lại từ đảo trở về cập cảng. Tôi làm nghề này, gắn bó với cảng Đá Bạc đã ngót chục năm nay”.
Chừng 4 giờ sáng, cảng Đá Bạc như rộn rã hơn khi một vài tàu cá đi ở vùng lộng vừa cập cảng, các bạn thuyền í ới gọi nhau đưa cá lên bờ để kịp phiên chợ sáng. “Hôm nay, anh em chúng tôi may mắn đánh được gần 1 tấn cá, tính ra 6 người đi bạn được chia ít nhất 1,5 triệu đồng/người, chủ tàu thì khá hơn”, ông Thâu - chủ tàu cá ở phường Ba Ngòi (TP. Cam Ranh) chia sẻ.
Đêm ở cảng Đá Bạc tấp nập là vậy nhưng trong cảm nhận của chúng tôi mọi thứ khá nề nếp, trật tự, mọi hoạt động trong cảng đều được Ban quản lý cảng giám sát 24/24 giờ. Để phát huy hiệu quả hoạt động của cảng, Ban quản lý cảng đã chú trọng nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho người, hàng hóa, phương tiện qua cảng. Các dịch vụ về mặt bằng, nhiên liệu, điện, nước, vệ sinh, cho thuê xe đẩy, máy xay đá, bốc dỡ hàng hóa… được cảng cung cấp đầy đủ đến ngư dân, các hộ kinh doanh. “Từ đầu năm đến nay, cảng Đá Bạc đã tiếp nhận 7.907 lượt tàu cá, 234 lượt tàu vận tải cập cảng; có hơn 47.500 lượt phương tiện ra vào cảng; sản lượng thủy sản, động vật tươi sống qua cảng đạt hơn 11.774 tấn. Cảng đã cung cấp cho các tàu hơn 443.000 cây nước đá, hơn 6,74 triệu lít dầu, hơn 10.570m3 nước…”, ông Tuấn cho biết thêm.
BÍCH LA