12:09, 20/09/2018

Giăng bẫy... chim rừng

Cùng với môi trường sống tự nhiên bị thu hẹp, việc nhiều người lên rừng săn bắt, bẫy chim đã khiến cho chim rừng đứng trước nguy cơ bị tận diệt.

Cùng với môi trường sống tự nhiên bị thu hẹp, việc nhiều người lên rừng săn bắt, bẫy chim đã khiến cho chim rừng đứng trước nguy cơ bị tận diệt.

 Lên rừng giăng bẫy


Sau mấy lần hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng được nhóm bạn của anh Nguyễn Văn Chớp (xã Diên Phước, huyện Diên Khánh) bố trí cùng đi bẫy chim rừng ở thượng nguồn Thác Bầu (xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh), nơi có những cánh rừng tự nhiên tiếp giáp với những cánh rừng đệm, rẫy bắp, rẫy lúa… của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Đến ngã ba đường dưới chân núi Hòn Nhọn, anh Chớp giấu xe vào trong rẫy keo rồi chỉ tay về phía cánh rừng đệm, tiếp giáp với cánh rừng tự nhiên ở thượng nguồn Thác Bầu, nói: “Ở đó có mấy cặp chích chòe lửa, đuôi dài đến hơn 18cm, giọng hót rất hay. Ngoài ra, vùng rừng đệm ấy còn có cả đàn chào mào, cu gáy. Chịu khó cuốc bộ đường núi chừng 30 phút là đến nơi”.

 

zzChim rừng không chỉ được bán ở các tiệm chim cảnh mà còn được bán dạo khắp nơi.

Chim rừng không chỉ được bán ở các tiệm chim cảnh mà còn được bán dạo khắp nơi.



Lên đến địa điểm bẫy, anh Chớp xách 2 chú chích chòe lửa đi về phía rừng tự nhiên, còn tôi đi theo anh Trung, anh Thanh (2 người cùng nhóm đi bẫy) xách mấy chú chào mào, cu gáy mồi đi về phía rừng đệm, mang theo cây sào dài để treo chim mồi trên những cành cây cao quá tay với. Những chú chim mồi vừa được tháo lồng, treo lên cây bắt đầu cất tiếng hót. Chỉ chưa đầy 2 phút, ở đằng xa vọng lại những tiếng chim rừng đáp trả, rồi 2 chú chào mào sà xuống cây có treo chim mồi.


Trong khoảng 15 phút, sau mấy lần sà qua lồng bẫy, cuối cùng chú chào mào rừng cũng nhảy vào xua đuổi chú chim trong lồng, đồng thời dáo dác kêu khi bị dính bẫy. “Chú chim này hay, chắc mang về nuôi  chứ mang ra tiệm bán chưa đến 100.000 đồng”, anh Trung nói. Ở góc rừng khác, anh Thanh cũng reo lên khi 1 chú cu gáy vừa sập bẫy. Nhóm bẫy chim cứ thế tiếp tục cho đến trưa, khi anh Chớp từ cánh rừng thưa trở ra với 1 chú chim chích chòe lửa trên tay, còn nhóm anh Trung bẫy được 3 chú chào mào và 4 con cu gáy.

 

Mai này còn tiếng chim trời?


Theo chia sẻ của nhóm bẫy chim, mỗi lần đi bẫy, hôm nào may mắn thì được 3 - 4 con mỗi loại, có hôm thì về không. Ngoài những người đi bẫy chim như một thú vui cuối tuần thì có nhiều người đi bẫy chim mang về bán cho các tiệm kinh doanh chim cảnh để kiếm thu nhập. Ngoài bẫy bằng chim mồi, hiện nay, nhiều người còn bắt chim ngoài tự nhiên bằng cách sử dụng loa phát tiếng chim trời, dụ đàn chim tới rồi dùng lưới, keo để bắt. Các loại chim cảnh bị “săn” nhiều như: chích chòe, chào mào, cu gáy, các loại chim sâu có màu sắc đẹp. Trong đó, có nhiều loại chim được liệt vào Sách đỏ như: khướu, họa mi… “Trước đây chừng 15 năm, khi phong trào chơi chim cảnh chưa phát triển rầm rộ, đi khắp các cánh rừng ở miền núi Khánh Vĩnh đâu đâu cũng ghe râm ran tiếng chim hót. Bây giờ, với việc “dùng công nghệ” để dụ, mỗi lần bắt hàng chục, thậm chí cả trăm con nên chim rừng bây giờ cũng hiếm lắm. Đó là chưa kể chim bị mất môi trường sống do nạn phá rừng”, anh Chớp nói.

 

Tại một số tiệm chim trên đường 23-10 (TP. Nha Trang), chúng tôi thấy mỗi tiệm có hàng trăm chú chim được nhốt trong lồng, với đủ loại từ họa mi, khướu, chích chòe lửa, chích chòe than, cho đến chào mào, cu gáy, sơn ca, vành khuyên… Về giá cả thì đủ loại, từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng, thậm chí những con chim đột biến gen giá lên đến vài chục triệu đồng, hay cả trăm triệu đồng, tùy theo chủng loại, mức độ quý hiếm, cách hót, đấu của chim… “Nguồn chim chúng tôi nhập về hoàn toàn là chim ngoài tự nhiên; không chỉ từ các “thợ săn” trong tỉnh mà còn nhập từ một số tỉnh khác. Hiện nay, nhu cầu chơi chim cảnh khá cao nên lượng tiêu thụ cũng khá lớn, bán được nhiều nhất vẫn là chích chòe, chào mào, vành khuyên và một số loại khác”, một chủ tiệm chim cho hay.

 

Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, hiện nay, có một số loài chim quý hiếm thuộc danh mục Sách đỏ Việt Nam và thế giới, đây là những loài nguy cấp quý hiếm. Việc người dân săn bắt, mua bán, nuôi nhốt các loài này là vi phạm quy định và sẽ bị xử lý. Riêng đối với các loài chim thông thường, ngành chức năng tập trung tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ, không săn, bắt động vật hoang dã nhằm bảo tồn đa dạng sinh học.


BÍCH LA