3 năm qua, nghề trồng dâu nuôi tằm bước đầu đạt hiệu quả. Nhờ thế, diện tích cây dâu tằm tại Khánh Hòa ngày càng mở rộng.
3 năm qua, nghề trồng dâu nuôi tằm bước đầu đạt hiệu quả. Nhờ thế, diện tích cây dâu tằm tại Khánh Hòa ngày càng mở rộng.
Thu nhập ổn định
Hiện nay, tại xã Diên Đồng (huyện Diên Khánh), những nông dân đầu tiên chuyển đổi cây trồng từ mía sang dâu kết hợp nuôi tằm đã có thu nhập khá và an tâm với nghề mới. Ông Nguyễn Hoàng (thôn 4) cho biết: “Chỉ với 3 sào đất trồng dâu nuôi tằm, năm ngoái tôi đã có thu nhập 90 triệu đồng, từ đầu năm tới nay thêm 30 triệu đồng nữa. Nghề này chỉ cần chịu khó là có thu nhập”.
Những nông dân như ông Hoàng giờ đây biết thêm nghề mới nhờ Công ty TNHH Hoàng Mai NMC (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang) hướng dẫn. Ông Hoàng cho biết: “Sau khoảng 30 ngày, 1 sào dâu thu 650kg lá, đủ nuôi 1 hộp tằm. Nuôi 9 ngày là tằm nhả tơ, bình quân 1 hộp tằm cho 50 - 60kg kén. Tùy thời giá, công ty mua dao động từ 155.000 đến 185.000 đồng/kg kén. Vừa rồi, tôi thu hoạch được 56kg kén, doanh thu hơn 8 triệu đồng. Trừ chi phí, tôi lãi 4 triệu đồng trong nửa tháng. So với trồng mía, trồng dâu tốn công nhiều hơn, nhưng bù lại có thu nhập liên tục”.
Nhiều xã khác tại Diên Khánh cũng đang phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, đào tạo ra lớp nông dân lành nghề. Ông Ngô Đức Kiệm (thôn Phú Thọ, xã Diên Thọ) cho biết, gia đình ông trồng 5 sào dâu, trừ chi phí, mỗi tháng thu được 10 triệu đồng. Tại Diên Đồng, Diên Thọ hiện có khoảng chục hộ nông dân đã vững vàng với nghề trồng dâu nuôi tằm. Mong muốn của nông dân là được huyện hỗ trợ khôi phục các trạm bơm điện đầu tư dở dang trước đây, giúp nông dân có nguồn nước tưới ổn định, đồng thời Nhà nước xem xét hạ giá điện khu vực sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ vốn mua máy xới cỏ để phát triển cây dâu.
Năm 2019, sẽ đầu tư nhà máy ươm tơ
Lãnh đạo Công ty TNHH Hoàng Mai NMC cho biết, tỉnh vừa cấp cho doanh nghiệp hơn 10ha đất tại xã Suối Cát (huyện Cam Lâm) để phát triển giống dâu mới V201, S7CB. Bên cạnh đó, xây dựng vùng liên kết tại các địa phương, tổng diện tích hơn 30ha. Trong đó, Diên Khánh có 7ha ở các xã: Diên Đồng, Diên Thọ, Diên Sơn, Diên Tân, Diên Xuân, Suối Tiên; huyện Khánh Vĩnh (2ha) có Khánh Bình, Khánh Thành; thị xã Ninh Hòa có Ninh Thượng, Ninh Sim với hàng chục héc-ta. Hiện nay, xã Ninh Thượng đang kết nối với Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương triển khai cho người dân áp dụng công nghệ cao trong ngành dâu tằm như: trồng giống dâu lai, nuôi tằm cho năng suất kén lớn nhất… Công ty sẽ phối hợp với các đơn vị đầu ngành dâu tằm cả nước ứng dụng công nghệ cao, đưa con tằm vàng lai (giống nội) vào sản xuất, kiểm tra chất lượng kén, tơ tại Khánh Hòa, chuyển giao công nghệ nuôi tằm con tập trung đến hết tuổi thứ 3…
Ông Trần Văn Quang - Giám đốc điều hành Công ty Hoàng Mai NMC mong muốn tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn trồng dâu tại Diên Đồng, đồng thời liên kết nông dân hình thành vùng sản xuất tập trung nhằm xây dựng vùng canh tác ổn định cho nghề này tại Khánh Hòa.
Thời gian qua, Công ty Hoàng Mai NMC đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển nghề dâu tằm tại Khánh Hòa. Công ty đã hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng 2 dây chuyền sản xuất vỉ nén, cung cấp ra thị trường 200.000 sản phẩm/năm; sản xuất 100 máy thái dâu cho tằm thịt và tằm con; đưa các giống dâu mới vào sản xuất… Kế hoạch giai đoạn 2017 - 2022, công ty thực hiện dự án trồng dâu nuôi tằm vùng miền núi khu vực Khánh Hòa nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng sâu, vùng xa. Dự kiến năm 2019, khi diện tích đạt 70 - 100ha, công ty sẽ xây dựng nhà máy ươm tơ tại Diên Đồng.
P.LÂM