Chia tay lớp học, chia tay mái trường, học sinh nào cũng muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc khi còn bên nhau bằng cách chụp ảnh, làm clip kỷ yếu. Song bên cạnh những hình ảnh hồn nhiên, tinh nghịch đúng với lứa tuổi, vẫn có những sản phẩm mang ý tưởng "khác người" khiến người xem phải giật mình.
Chia tay lớp học, chia tay mái trường, học sinh nào cũng muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc khi còn bên nhau bằng cách chụp ảnh, làm clip kỷ yếu. Song bên cạnh những hình ảnh hồn nhiên, tinh nghịch đúng với lứa tuổi, vẫn có những sản phẩm mang ý tưởng “khác người” khiến người xem phải giật mình.
Bộ ảnh “khác người”…
Mới đây, một nữ sinh lớp 11 trường THPT một huyện miền núi của tỉnh hào hứng gửi đến fanpage Báo Khánh Hòa một bộ ảnh kỷ yếu với phong cách ma quái, rùng rợn và cho rằng đó là một “ý tưởng hay, độc và đẹp”, các em muốn “làm một điều gì đó thật ấn tượng kỷ niệm ngày chia tay lớp”. Sau khi được đăng trên mạng, bộ ảnh đã gây sốc và ám ảnh cho không ít người. Nhiều người không hiểu vì sao tuổi học trò vốn hồn nhiên, trong sáng lại hóa thân thành những hồn ma đáng sợ, trong một bối cảnh, cách tạo dáng và thể hiện cảm xúc không khác gì một bộ phim kinh dị. Một số ý kiến thắc mắc: “Không hiểu bộ ảnh mang ý nghĩa gì, các em muốn gửi gắm thông điệp gì qua bộ ảnh ấy?”; “Có nhiều cách sáng tạo để lưu giữ kỷ niệm những ngày tháng học cùng nhau nhưng đâu cần gây sốc và ghê rợn như vậy?”...
… và định hướng về nhận thức
Có thể nói, chụp ảnh, làm clip kỷ yếu giờ đây còn là cách để giới trẻ thể hiện sự sáng tạo của mình. Trước đây, học trò chụp ảnh kỷ yếu chỉ giản đơn khoác lên mình tà áo dài, hay bộ đồng phục của trường, lớp, trong bối cảnh phòng học, góc sân trường… Vài năm trở lại đây, việc chụp ảnh, làm MV kỷ yếu đã được giới trẻ biến hóa với đủ phong cách: cá tính, chững chạc, hoài cổ, dân dã, hay mô phỏng các bộ phim, câu chuyện nổi tiếng…, trong những bối cảnh rộng hơn. Thậm chí có những nhóm, lớp chịu chơi đầu tư thuê hẳn quay phim, flycam, trang phục, địa điểm chụp ảnh… Bên cạnh những bộ ảnh, clip dễ thương, ý nghĩa đúng với lứa tuổi học trò, cũng có những bộ ảnh vấp phải nhiều ý kiến trái chiều vì tốn kém, hoặc không phù hợp với độ tuổi.
Theo cô Nguyễn Thị Vân Anh - Thạc sĩ Tâm lý, giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa, trước bộ ảnh ma quái của nhóm học sinh miền núi nói trên, đã có một vài bộ ảnh tương tự của các nhóm học sinh ở một số tỉnh, thành khác. Có thể các em chụp bộ ảnh kỷ yếu này muốn thể hiện sự căng thẳng, buồn chán trong quãng thời gian học tập do áp lực bài vở, thầy cô, hay đánh dấu những kỷ niệm buồn thời học trò. Song, mọi thứ cũng không đến mức quá u ám để các em làm cho môi trường học tập trở nên méo mó, đáng sợ đến vậy. Cũng có thể đơn giản các em chỉ thích thú vì muốn làm điều gì đó mới lạ, khác người. Nhưng dù sao, màu sắc và nội dung ám ảnh như vậy không phù hợp với một cuốn kỷ yếu của tuổi học sinh, mà phù hợp hơn với một cuộc thi hay sân chơi khác, chẳng hạn như: lễ hội Halloween, hay làm phim kinh dị... Cô Vân Anh cho rằng, ở độ tuổi này, các em muốn thể hiện sự khác biệt, độc đáo, muốn tạo sự thu hút đối với người khác để khẳng định cái tôi của bản thân, nhưng cách thể hiện chưa đúng lúc, đúng chỗ và chưa đúng bối cảnh. Các em cũng dễ bị ảnh hưởng, bắt chước bởi những hình ảnh, hành vi do mạng xã hội đưa đến. Do nhận thức còn hạn chế, lập trường chưa vững vàng nên trên con đường hoàn thiện bản thân, các em rất cần có sự định hướng từ gia đình, thầy cô, nhà trường để xác định những thái độ, hành vi phù hợp. Riêng với việc chụp ảnh kỷ yếu, nên chăng chỉ coi đó là nơi lưu lại những hồi ức đẹp thuở học trò. Mai này, biết đâu khi xem lại bộ ảnh “khác người” đó, các em sẽ bật cười về một thời áo trắng ngô nghê, bồng bột?
Anh Thái