09:08, 07/08/2017

Mở rộng, nâng cao năng lực cứu hộ bãi biển

Từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng cứu hộ bờ biển của TP. Nha Trang đã cứu hơn 200 trường hợp bị đuối nước, thương tích khi tắm biển. Tuy vậy, cũng đã có những trường hợp tử vong do đuối nước. Sắp tới, lực lượng cứu hộ cần tiếp tục được nâng cao hiệu quả hoạt động…

Từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng cứu hộ bờ biển của TP. Nha Trang đã cứu hơn 200 trường hợp bị đuối nước, thương tích khi tắm biển. Tuy vậy, cũng đã có những trường hợp tử vong do đuối nước. Sắp tới, lực lượng cứu hộ cần tiếp tục được nâng cao hiệu quả hoạt động…


Số người được cứu tăng


Từ mấy năm qua, người dân và du khách đi tắm biển đã quen thuộc với hình ảnh những nhân viên cứu hộ mặc áo cam, mang theo loa tay đi dọc bãi biển để nhắc nhở và sẵn sàng cứu hộ người tắm biển bị đuối nước. Ông Nguyễn Văn Tân, ở phường Phước Hòa cho biết, ông tắm biển đều đặn mỗi ngày từ nhiều năm nay. Vì thế, ông quá quen thuộc với hình ảnh các nhân viên cứu hộ và cả sự thay đổi của lực lượng này. Trước đây, nhân viên cứu hộ ít, phương tiện thiếu nên phạm vi hoạt động hạn chế. Nhưng đến nay, đã có nhân viên trực tại bãi biển, chỉ cần ông bơi ra xa bờ một chút là có người nhắc nhở, cảnh báo.

 

Ông Nguyễn Văn Hùng - Đội trưởng Đội Cứu hộ - cứu nạn cho biết, hiện nay, đội có 38 cán bộ, nhân viên được bố trí dọc các bãi tắm, không chỉ có mặt tại bãi biển trung tâm dọc đường Trần Phú, mà còn rải đều qua bãi biển đường Phạm Văn Đồng với tổng chiều dài bờ biển khoảng 10km. Vừa qua, đội được trang bị 2 mô tô nước, đặt tại 2 trạm ở dọc đường Trần Phú nên công tác cứu hộ khá nhanh và hiệu quả…


Theo thông tin từ Ban quản lý Vịnh Nha Trang - đơn vị chủ quản của Đội Cứu hộ - cứu nạn, từ khi thành lập (năm 2012) đến nay, mỗi năm, đội đã cứu được từ 50 đến 90 người bị đuối nước, 10 - 25 người bị thương tích khi tắm biển. Từ đầu năm đến nay, đội đã cứu được 31 người bị đuối nước, 5 người bị tai nạn thương tích. 2 năm qua, cũng đã có 7 người bị tử vong do đuối nước. Tuy nhiên, phần lớn là những trường hợp tắm ngoài giờ có mặt của lực lượng cứu hộ hoặc tắm tại những khu vực, thời gian cảnh báo nguy hiểm, một số người còn sử dụng rượu, bia trước khi tắm, tự tử…

 

Nhân viên cứu hộ luôn túc trực trên bãi biển để đảm bảo an toàn cho người tắm bi

Nhân viên cứu hộ luôn túc trực trên bãi biển để đảm bảo an toàn cho người tắm biển

 

Cần đẩy mạnh xã hội hóa


Theo lãnh đạo Ban quản lý Vịnh Nha Trang, hiện nay, mỗi nhân viên cứu hộ phải bao quát từ 500 đến 700m bờ biển, nên rất khó khăn trong phát hiện, ứng cứu. Đặc biệt, tình trạng một số du khách không chấp hành hướng dẫn, chỉ dẫn của nhân viên cứu hộ vẫn tắm biển vào những khu vực, thời gian nguy hiểm nên đã xảy ra những điều đáng tiếc.


Để công tác cứu hộ hiệu quả hơn, thời gian qua, từ nguồn thu của đơn vị, ban cố gắng bố trí tăng thêm thu nhập cho nhân viên cứu hộ. Đến nay, bình quân mỗi nhân viên được gần 4 triệu đồng/tháng, cơ bản đáp ứng yêu cầu để an tâm công tác. Ngoài việc trang bị đầy đủ phương tiện làm việc khi ứng cứu, các nhân viên cứu hộ cũng đã được Tổ chức cứu hộ Úc tập huấn, đào tào các kỹ năng cơ bản về cứu hộ. Hiện nay, trong đội đã có 10 nhân viên đạt trình độ 5 chuẩn quốc tế, mức cao nhất trong cứu hộ. Bên cạnh việc đề xuất trang bị thêm cho đội 1 mô tô nước để đặt tại khu vực bãi biển đường Phạm Văn Đồng, ban đang tập huấn cho nhân viên cứu hộ sử dụng ván lướt (sắp tới mỗi tổ sẽ được trang bị từ 1 đến 2 ván lướt) để có thể cơ động nhanh hơn trên biển.

 

Ông Phan Bình Thái - Trưởng Ban quản lý Vịnh Nha Trang cho biết, trong lúc chưa thể tăng được số lượng nhân viên cứu hộ, đơn vị đang có hướng huy động, phối hợp với các cơ sở đang kinh doanh dọc bãi biển cùng tham gia cứu hộ. Cụ thể, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP. Nha Trang, các tổ chức cứu hộ nước ngoài tập huấn, hướng dẫn kỹ năng cứu hộ, sơ cấp cứu cho nhân viên cứu hộ của các khách sạn, đặc biệt là nhân viên của các cơ sở đang đặt dù, ghế dọc bãi biển, vì đây là những người thường xuyên có mặt tại bãi biển.


Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với một số đơn vị như: Hội Chữ thập đỏ Vịnh Nha Trang, Đội Tình nguyện nhân đạo bờ biển, Đội Thanh niên xung kích, lực lượng công an các xã, phường có liên quan đến hoạt động cứu hộ - cứu nạn, Đồn Biên phòng Cầu Bóng, đội cứu hộ - cứu nạn của các doanh nghiệp, câu lạc bộ lặn biển, các cơ sở dịch vụ du lịch biển… để nhắc nhở, hướng dẫn người dân và du khách vui chơi, tắm biển an toàn; đồng thời cứu người kịp thời khi có đuối nước xảy ra, nhất là trong các tình huống thời tiết xấu. “Tổ chức đội cứu hộ tình nguyện bao gồm những người dân địa phương thường xuyên đi tắm biển cũng là việc cần làm. Trong cấp cứu người bị đuối nước, thời gian rất quan trọng, có khi được tính bằng giây; vì vậy, ngoài việc đầu tư thiết bị, nhân lực cho lực lượng chuyên nghiệp thì việc huy động cả cộng đồng cùng tham gia cứu hộ là rất quan trọng. Vì đây chính là lực lượng thường xuyên có mặt trên các bãi biển”, ông Thái nói.


Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, thời gian qua, lượng du khách đến Nha Trang ngày càng đông và thực tế là có nhiều du khách không biết bơi. Mặc dù hiện nay, số lượng nhân viên cứu hộ lên đến 38 người nhưng vẫn thiếu, nhất là vào những dịp lễ, Tết. Thời gian vừa qua, các nhân viên cứu hộ đã làm việc rất tích cực, hiệu quả nên số lượng người được cứu đã tăng lên, giảm tối đa thiệt hại. Việc bố trí với mật độ 300m chiều dài bờ biển 1 nhân viên cứu hộ là hợp lý nhưng chưa thể thực hiện vì biên chế có hạn. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị thì kêu gọi cả cộng đồng cùng tham gia cứu hộ là việc làm cần thiết.


M.T