Tại huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa), việc uống rượu được coi là một nét văn hóa của người đồng bào dân tộc Raglai trong những dịp lễ hội. Đáng buồn thay, điều này đã trở thành nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông và gây mất an ninh trật tự...
Tại huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa), việc uống rượu được coi là một nét văn hóa của người đồng bào dân tộc Raglai trong những dịp lễ hội. Đáng buồn thay, điều này đã trở thành nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông và gây mất an ninh trật tự...
Vào một buổi tối tháng 2, sau chầu nhậu với bạn bè trong xóm, Cao Thanh Kiệt ở xã Sơn Hiệp lấy xe máy của gia đình đi chơi. Chẳng ai ngờ được, lần đi đó, Kiệt đã vĩnh viễn không trở về nhà. Đêm hôm đó, không thấy con về, gia đình, hàng xóm của Kiệt tỏa ra đi tìm. Khi tìm thấy thì Kiệt đã tử vong nằm bên vệ đường, cạnh chiếc xe máy. Kiệt qua đời do tự gây tai nạn, khi ấy em mới vừa bước qua tuổi 18.
Trong gia đình, vì bố bị bệnh lao lực, từ lâu Kiệt đã trở thành lao động chính, lo kinh tế của cả nhà. Nay em mất đi, gia đình khó khăn lại chồng chất khó khăn. Anh Bo Bo Thuật - Bí thư Đoàn xã Sơn Hiệp cho biết: “Sau khi Cao Thanh Kiệt bị tai nạn tử vong, xã đoàn lấy đây làm bài học kinh nghiệm, tuyên truyền đoàn viên, thanh niên nhận thức được đã uống rượu vào rồi là không điều khiển xe máy”.
Theo số liệu của Công an huyện Khánh Sơn, 6 tháng đầu năm 2016, huyện không xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nào, nhưng 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện xảy ra 4 vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết 4 người. Cả 4 vụ tai nạn đều có cùng một nguyên nhân là nạn nhân điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu. Đặc điểm đường giao thông ở địa bàn miền núi như Khánh Sơn quanh co, đường nhỏ và vắng. Với những người tỉnh táo, bình thường những cung đường như vậy cũng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, với người đã sử dụng rượu bia thì mức độ rủi ro sẽ còn cao hơn nhiều. Đại úy Nguyễn Hồng Trường - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện cho biết: “Thanh niên địa phương đi làm ăn ở các địa phương khác về có điều kiện mua xe máy ngày càng nhiều. Có xe rồi họ giao lưu gặp gỡ, uống rượu với bạn bè ở địa phương, từ đó tình trạng đua xe, lạng lách trên đường bắt đầu xuất hiện. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Khi điều khiển xe máy vào các khúc cua, do không làm chủ được tốc độ nên lấn đường xe ngược chiều dẫn đến tai nạn”.
Được biết, Khánh Sơn có hơn 75% dân số là người đồng bào dân tộc Raglai. Với đồng bào ở đây, uống rượu là một nét văn hóa trong mỗi dịp lễ hội. Nhưng hiện nay, không chỉ có lễ hội người dân mới uống rượu. Bây giờ, thanh niên uống rượu ở mọi lúc, mọi nơi.
Thời gian gần đây, Cảnh sát giao thông Công an huyện Khánh Sơn thường xuyên sử dụng thiết bị đo nồng độ cồn trong tuần tra kiểm soát. Nhiều thanh niên địa phương vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện và bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, với đồng bào dân tộc thiểu số thì vấn đề quan trọng nhất là làm cho họ thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi. Đại úy Nguyễn Hồng Trường cho rằng, ngoài việc tăng cường tuyên truyền pháp luật về giao thông của lực lượng công an, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, vai trò của chính quyền cơ sở và các già làng, người có uy tín là cực kỳ quan trọng, nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, giảm việc uống rượu trong đời sống thường nhật.
V.Nhất