05:05, 16/05/2017

Khởi động các dự án điện mặt trời

Sau khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư, hiện nay, chủ đầu tư các dự án điện mặt trời ở khu vực phía nam tỉnh Khánh Hòa đã bắt đầu khởi động xây dựng.

 

Sau khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư, hiện nay, chủ đầu tư các dự án điện mặt trời ở khu vực phía nam tỉnh Khánh Hòa đã bắt đầu khởi động xây dựng.


3 dự án được cấp phép


UBND tỉnh vừa thống nhất chủ trương cho phép Tổng Công ty Điện lực miền Trung đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời miền Trung tại thôn Thủy Ba và thôn Tân An, xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm) với diện tích khoảng 70ha, công suất 50MW. Theo đó, Tổng Công ty Điện lực miền Trung được UBND tỉnh giao nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án. UBND tỉnh cũng lưu ý nhà đầu tư về kiến nghị của các sở, ngành, địa phương về công nghệ, thiết bị, bảo vệ môi trường... trong quá trình triển khai để dự án đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất.

 

Dự kiến, chủ đầu tư sẽ thi công lắp đặt hệ thống tấm quang điện, hệ khung giá đỡ, hệ thống bộ chuyển đổi (inverter) và đường nội bộ giữa các dãy pin. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng hệ thống máy biến áp, trạm biến áp và các nhánh rẽ đầu nối… Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 1.904 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án điện nông thôn miền Trung, đơn vị đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư để trình UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời hoàn thiện báo cáo phương án đầu tư để trình cấp thẩm quyền xem xét làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công vào cuối năm 2017 và hoàn thành vào cuối năm 2018.


Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang cũng mới được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy quang điện mặt trời tại xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh. Dự án có diện tích sử dụng đất 70ha, công suất thiết kế 60MW với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Hiện nay, chủ đầu tư đang chuẩn bị thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ môi trường, thiết kế và lập hồ sơ thỏa thuận phương án quy hoạch kiến trúc… Trước đó, đầu năm 2016, UBND tỉnh cũng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời hòa lưới 10MWP cho Công ty Cổ phần Điện mặt trời Tuấn Ân. Dự án được triển khai tại xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh, có diện tích sử dụng đất hơn 10ha, công suất thiết kế 10MW với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là xây dựng và vận hành nhà máy điện công suất pin mặt trời 10MW hòa vào lưới điện áp 22KV với sản lượng điện thương phẩm hàng năm khoảng 14,5 triệu KWh.


Ông Trần Minh Hải - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, thời điểm đầu năm 2016, có rất nhiều nhà đầu tư xin được triển khai dự án điện mặt trời tại các xã vùng núi của TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm. Tuy nhiên, chủ trương của tỉnh là thẩm định kỹ năng lực của từng chủ đầu tư, chỉ cho phép triển khai dự án trên diện tích đất bỏ hoang, không thể sản xuất nông nghiệp.

 

Chuyên gia Văn phòng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam đi khảo sát địa điểm  xây dựng Nhà máy điện mặt trời miền Trung tại huyện Cam Lâm.

Chuyên gia Văn phòng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam đi khảo sát địa điểm xây dựng Nhà máy điện mặt trời miền Trung tại huyện Cam Lâm

 

Khởi động cho những kỳ vọng mới


Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, TP. Cam Ranh có độ bức xạ năng lượng mặt trời trung bình đo được là 5,34kWh/m2/ngày. Ở 2 xã Cam Thịnh Đông và Cam Thịnh Tây, độ bức xạ còn cao hơn nhiều. Huyện Cam Lâm tuy độ bức xạ thấp hơn nhưng cũng ở mức cao. Đây là điều kiện rất thuận lợi để triển khai thực hiện các dự án năng lượng mặt trời. Không những thế, ở khu vực này, khả năng đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia cũng rất tiện lợi. Thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm tiến hành khảo sát thực địa, kiểm tra hiện trường, xác định vị trí và thống nhất phạm vi ranh giới khu đất dự kiến bố trí để thực hiện các dự án năng lượng mặt trời.


Ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Tuấn Ân đã tích cực thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số không chịu giao đất, dù đất khu vực này đã bỏ hoang nhiều năm. Hiện nay, UBND TP. Cam Ranh đang xin UBND tỉnh chủ trương cưỡng chế để đẩy nhanh tiến độ dự án. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang cũng đang tích cực hoàn thiện các thủ tục liên quan.


Mới đây, Ban Quản lý dự án điện nông thôn miền Trung cùng đoàn công tác của Văn phòng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam đã đi khảo sát tại địa điểm xây dựng Nhà máy điện mặt trời miền Trung do Tổng Công ty Điện lực miền Trung làm chủ đầu tư. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án điện nông thôn miền Trung cho biết, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã làm việc với các đơn vị liên quan của tỉnh để triển khai các bước tiếp theo của dự án gồm: họp với UBND huyện Cam Lâm để thông báo kế hoạch thực hiện dự án, công tác phối hợp thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; làm việc với Sở Kế hoạch - Đầu tư để tiến hành thủ tục ký quỹ; làm việc với Sở Tài nguyên - Môi trường để được hướng dẫn về thủ tục đất đai; làm việc với Sở Xây dựng để được hướng dẫn về thủ tục trình quy hoạch xây dựng.


Lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho biết, ngày 7-4, Tổng cục Năng lượng đã họp thẩm định hồ sơ bổ sung quy hoạch cho dự án này vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay, đơn vị đã lập và thẩm định hồ sơ mời thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án; hoàn thành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình phê duyệt chủ trương đầu tư và dự kiến trình Bộ Công Thương phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 5.


Việc triển khai các dự án điện mặt trời đã mở ra những kỳ vọng mới về nguồn năng lượng sạch tại khu vực phía nam của tỉnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điện mặt trời có nhiều ưu việt vì đây là năng lượng tái tạo nhưng chi phí đầu tư, bảo trì cao nên khả năng giá bán điện sẽ cao. Vì vậy, khi phê duyệt các dự án điện mặt trời cần xem xét về công nghệ, khả năng lưu điện vào ban đêm, tuổi thọ pin… để tránh ô nhiễm môi trường.


VĂN KỲ