05:05, 08/05/2017

Chủ động phòng, chống bệnh dại ở vật nuôi

Mùa hè đến, thời tiết nắng nóng dễ phát sinh nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh dại ở chó, loài vật nuôi quen thuộc của nhiều gia đình. Vì vậy, người dân cần chủ động phòng, chống bệnh dại, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi.

Mùa hè đến, thời tiết nắng nóng dễ phát sinh nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh dại ở chó, loài vật nuôi quen thuộc của nhiều gia đình. Vì vậy, người dân cần chủ động phòng, chống bệnh dại, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi.
 
Nhiều biện pháp ngăn chặn
 
Mải chơi đùa với thú cưng của mình, chị N.T.L (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) sơ suất để con chó cào xước da, chảy máu phần bắp đùi. Vì chưa tiêm phòng dại cho chó, nên chị L. hớt hải đi tiêm phòng cho cả người lẫn vật nuôi. Chị L. chia sẻ: “Tôi nuôi chó trong nhà, ngày nào cũng chơi đùa với chúng, nhưng lại quên tiêm phòng bệnh dại, đến lúc có chuyện mới vội vã mang đi tiêm”.
 
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, bệnh dại ở động vật, đặc biệt là thú nuôi quen thuộc trong gia đình như chó, mèo thường tăng cao vào mùa nắng nóng, khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Đây là bệnh dễ truyền sang người qua các vết cắn, cào, liếm của động vật bị dại lên vùng da bị tổn thương… Người bị chó dại cắn nếu không được tiêm vắc xin phòng dại kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong do vi rút dại gây viêm màng não tủy cấp tính. 
 
Bác sĩ Nguyễn Lương Thao - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, để chủ động phòng, chống bệnh dại trên động vật trong mùa hè, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn. Ngay từ đầu năm, các Trạm Chăn nuôi và Thú y tại các huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu cho UBND chỉ đạo các xã, phường tổ chức, thực hiện tốt công tác chuẩn bị, rà soát, thống kê dụng cụ vật tư, số lượng chó, mèo chưa được tiêm phòng và đã hết thời gian miễn dịch để tiêm phòng vắc xin dại. Từ đầu tháng 3, chi cục đã chỉ đạo các đơn vị đồng loạt tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho chó trên toàn tỉnh với kế hoạch giao hơn 42.000 con. Cán bộ trạm, nhân viên thú y các xã, phường tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp phát sinh dịch bệnh… Tính đến nay, công tác tiêm phòng đã cơ bản hoàn tất. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục theo dõi tình hình, tổ chức các đợt tiêm bổ sung cho số lượng chó, mèo phát sinh.
 
Được biết, nhờ các cơ quan chức năng làm tốt công tác tiêm phòng, ngăn ngừa bệnh dại, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không phát hiện trường hợp tử vong do bệnh dại lây từ vật nuôi sang người.
 
Người dân mang chó đến tiêm phòng tại một phòng khám thú y

Người dân mang chó đến tiêm phòng tại một phòng khám thú y

 
 
Người dân cần chủ động tiêm phòng
 
Theo cơ quan chức năng, việc tiêm phòng bệnh dại trên địa bàn tỉnh được chia thành 2 khu vực. Trong đó, các địa phương: Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Lâm, Diên Khánh là khu vực có tính phí vắc xin và chi phí tiêm phòng dại cho chó. Các huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, người dân được miễn hoàn toàn các chi phí khi tiêm phòng. Bác sĩ Nguyễn Lương Thao chia sẻ, tại một số địa phương đông dân cư, trình độ văn hóa cao, người dân rất quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe của người và vật nuôi, việc tiêm phòng dại cho chó nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận. 
 
Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã có 1.930 lượt người đến các cơ sở y tế tiêm phòng vắc xin dại do bị các vết thương do chó, mèo gây ra. Trong đó, liên quan đến chó 1.660 ca, mèo 235 ca… Qua quá trình theo dõi, không có trường hợp nào con vật có biểu hiện bị bệnh dại.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc triển khai tiêm phòng dại cho vật nuôi còn gặp khó khăn, đặc biệt là các vùng nông thôn. Ông Lê Ngọc Tú - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cam Lâm cho biết: “Nhờ sự phối hợp của UBND huyện và các cán bộ cơ sở, tại một số xã như: Suối Tân, thị trấn Cam Đức, việc tiêm phòng dại triển khai rất thuận lợi, đạt 80% tiến độ. Đến nay, toàn huyện đã tiêm phòng dại cho 3.800/4.500 con chó. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như xã Sơn Tân, là địa bàn miền núi, người dân không có tiền để chi trả, trạm đã có chủ trương chỉ thu tiền vắc xin, miễn phí hoàn toàn tiền công, nhưng vẫn không có hiệu quả. Bên cạnh đó, người dân nuôi chó, mèo thường có thói quen thả rông, khi cán bộ đến tiêm phòng thì ngay cả chủ nuôi cũng không bắt lại được để tiêm. Những hộ không chấp hành việc tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi, đơn vị đều lưu vào sổ, yêu cầu địa phương làm công tác tuyên truyền, phối hợp thực hiện, nếu không được sẽ có biện pháp xử lý theo quy định”.
 
Bệnh dại là bệnh nguy hiểm, có nguy cơ truyền sang người cao nếu vật nuôi trong nhà bị mắc phải. Chính vì vậy, bên cạnh sự tuyên truyền, vận động, hỗ trợ của chính quyền, người dân cần có ý thức về việc tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho mình, người thân và mọi người xung quanh. 
 
V.T