Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Khánh Hòa, qua kiểm tra, thị xã Ninh Hòa thực hiện tương đối tốt công tác quản lý về ATTP, nhiều năm liền chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Khánh Hòa, qua kiểm tra, thị xã Ninh Hòa thực hiện tương đối tốt công tác quản lý về ATTP, nhiều năm liền chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Tuy nhiên, công tác quản lý các cơ sở sản xuất rượu thủ công, sản xuất, kinh doanh thịt gặp khó.
Ông Trần Lân - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết, trên địa bàn thị xã có 195 cơ sở sản xuất rượu thủ công. Các cơ sở đều sản xuất rất nhỏ lẻ, 2 - 3 ngày sản xuất một mẻ, khoảng 15 - 20 lít rượu. Mặc dù đã được Phòng Kinh tế tập huấn, nhưng gần như không có cơ sở sản xuất rượu thủ công nào trên địa bàn đủ điều kiện về ATTP. Đợt cao điểm vừa qua, Đội Quản lý thị trường thị xã đã kiểm tra 20 cơ sở sản xuất rượu; qua kiểm tra, các cơ sở không có giấy tờ thực hiện quy định về ATTP. Đội đã tịch thu và tiêu hủy 40 lít rượu không rõ nguồn gốc.
Trong đợt kiểm tra mới đây của Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh, phát hiện cơ sở sản xuất rượu thủ công của gia đình bà Nguyễn Thị Phích (thôn Quang Đông, xã Ninh Đông) khá nhếnh nhác. Cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, giấy xác nhận kiến thức ATTP, giấy kiểm nghiệm các chỉ tiêu theo quy định về nguồn nước sản xuất và rượu... Bà Phích cho biết: “2 - 3 ngày tôi mới nấu một mẻ rượu. Mỗi mẻ nấu khoảng 10kg gạo, cho ra 15 lít rượu. Tôi bỏ cho các quán giá từ 10.000 đến 11.000 đồng lít, trừ chi phí tôi lời mỗi mẻ khoảng 50.000 đồng. Với số tiền lãi ít ỏi, tôi không đủ kinh phí để làm các xét nghiệm rượu hoặc các giấy tờ khác”. Test nhanh mẫu rượu của gia đình bà Phích cho kết quả methanol trong rượu ở mức giới hạn cho phép.
Ông Lân cho biết, hiện nay, Phòng Kinh tế đang hướng dẫn các cơ sở sản xuất rượu thủ công làm các thủ tục đáp ứng quy định về ATTP; tham mưu cho UBND thị xã nghiêm cấm bán tất cả các sản phẩm rượu không có nhãn mác.
Bên cạnh các cơ sở sản xuất rượu thủ công, việc quản lý các cơ sở giết mổ thịt ở thị xã cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, toàn thị xã có 31 cơ sở giết mổ thịt; tuy nhiên, các lò mổ phân tán nhỏ, mang tính chất gia đình, giết mổ chủ yếu bằng thủ công, công suất thấp. Kết quả các đợt kiểm tra cho thấy, hầu hết công nhân tham gia giết mổ chưa được tập huấn kiến thức về ATTP, khám sức khỏe định kỳ; điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo quy chuẩn vệ sinh thú y. “Trong khi chờ đợi xây dựng khu giết mổ tập trung, giải pháp của thị xã là cử cán bộ thú y túc trực thường xuyên tại các điểm giết mổ để kiểm soát về vấn đề ATTP”, ông Lân nói.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết, trên địa bàn có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, việc quản lý vệ sinh ATTP gặp khó khăn do điều kiện kinh tế, nhận thức của chủ kinh doanh còn hạn chế. Để công tác quản lý về ATTP của thị xã được tốt hơn, ông đề nghị việc phân bổ kinh phí trong Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh ATTP hàng năm nên thực hiện sớm, để địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện công tác này.
T.L