Hiện nay, đa số các bồn nước lắp đặt trên mái nhà của các hộ gia đình đều là tự phát; chỉ một trục trặc nhỏ ở chân đế là tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Hiện nay, đa số các bồn nước lắp đặt trên mái nhà của các hộ gia đình đều là tự phát; chỉ một trục trặc nhỏ ở chân đế là tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Thời gian vừa qua, trên toàn quốc đã xảy ra không ít vụ bồn nước bị rơi gây thiệt hại lớn. Điển hình là vụ bồn chứa nước có dung tích khoảng 1.500 lít từ tầng thượng một căn nhà ở quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh bất ngờ rơi xuống nhà bên cạnh làm chết cháu bé 8 tháng tuổi và một người bị thương nặng. Trước đó, ở Nghệ An cũng xảy ra một vụ tai nạn tương tự làm 2 học sinh tử vong. Tại Khánh Hòa cũng từng xảy ra một số vụ bồn nước bị rớt ra khỏi chân đế, song rất may hậu quả không lớn.
Các bồn nước nếu không lắp đặt đúng kỹ thuật sẽ dễ bị lật, đổ |
Anh Lục Đình Sáng (một chủ thầu xây dựng) ở phường Phước Long, TP. Nha Trang cho biết: “Do suy nghĩ đơn giản, nhiều người tự mua bồn về lắp ráp, không có tư vấn chuyên môn như thế rất nguy hiểm, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới kết cấu ngôi nhà, gây nguy cơ nứt, gãy, sụt lún. Nếu lắp bồn nước quá nặng, không tính đến kết cấu chịu lực sẽ gây ra tình trạng quá tải, sập đổ phần mái. Việc thi công ẩu, nguyên vật liệu kém chất lượng cũng khiến cho những bồn nước này có thể bị đổ”.
Khảo sát tại TP. Nha Trang, chúng tôi nhận thấy ở nhiều khu vực, hầu hết các bồn nước inox, nhựa có dung tích từ 500 đến 2.000 lít nhưng chỉ được chủ nhà lắp đặt và gia cố chân đế hết sức sơ sài, khó bảo đảm an toàn khi trời mưa giông. Có những nơi, bồn chứa nước được đặt cheo leo ở sát mép tường, chân đế được làm bằng sắt hộp loại nhỏ, có độ bền thấp. Đặc biệt, tại địa bàn các phường Phước Long, Vĩnh Hòa, Phước Hải... có nhiều căn nhà cấp 4 được chủ hộ đặt bồn nước loại 500 - 1.000 lít ngay trên những mái tôn xập xệ.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Trang - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang, khi xin giấy phép xây dựng, bản vẽ thiết kế phải thể hiện nơi lắp đặt bồn nước. Đối với nhà cao tầng, bắt buộc phải có thiết kế vị trí đặt bồn. Riêng vấn đề chịu lực thì do đơn vị tư vấn thiết kế chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều gia đình khi xây dựng nhà thường không đưa việc lắp đặt bồn nước vào thiết kế, thậm chí bản vẽ thiết kế được sao chép lại của các công trình khác. Khi căn nhà hoàn thành, người ta mới tính đến việc lắp đặt bồn nước lên những khu vực cao nhất của ngôi nhà.
Anh Trần Văn Minh (nhân viên kỹ thuật của một cửa hàng bán bồn nước trên đường 2-4, TP. Nha Trang) cho biết: “Nhiều người khi mua bồn nước về đã tự lắp đặt mà không mua chân đế do nhà sản xuất bán. Họ tự xây chân đế bằng gạch hoặc hàn các khung sắt làm bệ đỡ. Lâu ngày, không kiểm tra, các bệ trụ lực này hư mục là tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, theo khuyến cáo của nhà sản xuất, chân đế để đặt bồn nước, nơi đặt bồn phải là mặt phẳng trên nền bê-tông và cần chắc chắn, có dầm chịu lực cho trần nhà, không nên đặt gần lan can, mép tường. Nên xây bờ bao quanh khoảng 1/3 thân bồn, các bồn nước trên cao nên có dây đai níu giữ bồn để tránh gió bão. Đặc biệt, chủ nhà cần kiểm tra định kỳ hàng năm vị trí lắp đặt, chân đế để khắc phục hư hỏng”.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn, người dân cần nhận thức rõ sự nguy hiểm khi lắp đặt các bồn nước trên nóc nhà, tăng cường các biện pháp gia cố, kiểm tra sự an toàn. Ngoài ra, khi xin cấp phép xây dựng, cơ quan chức năng phải yêu cầu chủ nhà nếu lắp đặt bồn nước phải có thiết kế chi tiết.
Đình Lâm