Dịp hè là thời gian nghỉ ngơi của các sinh viên sau một năm học căng thẳng; có sinh viên về với gia đình, có bạn lại chọn những chuyến du lịch hấp dẫn, nhưng cũng không ít bạn chọn đi làm thêm để có tiền trang trải và tích lũy kinh nghiệm sống.
Dịp hè là thời gian nghỉ ngơi của các sinh viên (SV) sau một năm học căng thẳng; có SV về với gia đình, có bạn lại chọn những chuyến du lịch hấp dẫn, nhưng cũng không ít bạn chọn đi làm thêm để có tiền trang trải và tích lũy kinh nghiệm sống.
Kiếm thêm thu nhập
Năm học thứ hai vừa kết thúc, bạn Trần Phương Trà My (SV Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang) tìm việc làm thêm ở bộ phận kiểm soát vé tại rạp phim Lotte (đường Thái Nguyên, TP. Nha Trang). My cho biết: “Chưa kết thúc năm học, em đã xin đi làm. Vào hè, lượng SV đi làm thêm nhiều, sẽ rất khó có được công việc tốt”. Với mức lương 2 triệu đồng/tháng, My có thể tự trang trải cho việc chi tiêu cá nhân, không phải xin gia đình.
Sinh viên Võ Trọng Đoàn chụp hình ngoại cảnh cho khách |
Bạn Võ Trọng Đoàn (SV Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang) chọn công việc làm thêm khá tự do và phù hợp với sở thích của mình, đó là chụp ảnh dịch vụ. Đoàn cho biết, anh thường nhận chụp ảnh cưới, chụp ngoại cảnh theo yêu cầu. Trong dịp hè, nếu khách nhiều, Đoàn có thể kiếm được từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng. Đoàn tâm sự: “Em chụp hình dịch vụ trong dịp hè vừa để thỏa mãn đam mê vừa kiếm thêm tiền trang trải chi tiêu cá nhân và một phần học phí trong học kỳ sắp tới”.
Tích lũy kỹ năng sống
Để tìm được việc làm thêm dịp hè không dễ, tìm được việc như ý muốn và làm tốt công việc lại càng khó hơn. Nhắc lại lần bị mất tiền khi đang làm thu ngân tại một quán cà phê, bạn Lê Thị Trung Thảo (SV Trường Đại học Nha Trang) nói: “Hôm đó, khách đông quá, không biết thế nào mà khi kiểm tiền cuối ca lại bị thiếu gần 1 triệu đồng. Em tìm mãi không ra, thế là phải bỏ tiền túi vào đền, mất hết 2/3 tháng lương”. Thảo cho biết, trong quá trình làm thêm ở các quán cà phê, quán nhậu, thi thoảng vẫn thối nhầm tiền cho khách, may mà mọi người biết thông cảm, qua đó Thảo có thêm kinh nghiệm trong việc xử lý chuyện tiền bạc.
Còn với công việc ở rạp phim, Trà My lại học được kinh nghiệm trong việc giải quyết các tình huống khó xử. My nói: “Có lần, khách mua vé kiểm tra thông tin không kỹ, đến lúc vào xem phim mới thấy sai giờ chiếu. Khách cứ đòi vào xem, làm em phải giải thích mãi họ mới chịu hiểu và thông cảm”. My chia sẻ, với công việc làm thêm dịp hè, em vừa có thu nhập vừa học được nhiều điều như: biết kiềm chế cảm xúc hơn, thông cảm với mọi người, chi tiêu có kế hoạch... Vì thế, gia đình rất ủng hộ việc đi làm thêm.
Những tưởng được làm việc với đam mê của mình thì sẽ không gặp khó khăn gì, nhưng SV Võ Trọng Đoàn cũng gặp không ít tình huống oái ăm. Đoàn kể, có lần khách chụp hình xong, về chọn hình, làm hình gửi cho khách lại bị chê là không đẹp so với người khác chụp, rồi hạ thấp giá so với thỏa thuận. “Những lúc đó, em đành phải chấp nhận giá người ta đưa ra để thu hồi vốn. Từ đó, em rút được nhiều kinh nghiệm để không bị ép giá nữa...” - Đoàn bộc bạch. Với việc chụp hình dịch vụ trong dịp hè, Đoàn cũng quen biết thêm khá nhiều bạn bè, học hỏi được nhiều kỹ thuật chụp, chỉnh sửa hình.
Anh Nguyễn Văn Nhuận - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội SV Việt Nam tỉnh cho biết, hàng năm, hội vẫn tổ chức các lớp huấn luyện, trang bị kỹ năng sống cho học sinh, SV. Trong đó, việc SV đi làm thêm luôn được khuyến khích, vì vừa có thêm thu nhập vừa trang bị được kỹ năng sống, chuẩn bị hành trang trước khi ra trường. “Chúng tôi luôn khuyến khích học sinh, SV làm thêm. Tuy nhiên, dù là dịp hè hay trong năm học thì SV vẫn phải sắp xếp thời gian hợp lý để đảm bảo cho việc học tập” - anh Nhuận nói.
HẠ PHONG