Thành ủy Nha Trang vừa tổ chức hội nghị mở rộng góp ý dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thành ủy Nha Trang vừa tổ chức hội nghị mở rộng góp ý dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tại hội nghị, đại biểu đề nghị bổ sung đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách của tỉnh trong năm 2020, có khả năng ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII.
Ở phần hạn chế, khuyết điểm, cần nhìn nhận 5 năm qua, ngành công nghiệp phát triển còn bị động, đến năm 2018 mới trình tỉnh phê duyệt quy hoạch ngành; các khu, cụm công nghiệp chưa hình thành, đầu tư còn chậm; một số dự án kéo dài, không khả thi ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây lãng phí tài nguyên. Đề nghị bổ sung làm rõ những sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: quản lý sử dụng đất đai, quản lý quy hoạch; công tác quy hoạch và dự báo quy hoạch còn nhiều hạn chế; việc triển khai xác định giá đất quá chậm làm ảnh hưởng đến công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư. Ở nội dung đánh giá công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cần bổ sung vào dự thảo báo cáo chính trị khâu đánh giá cán bộ còn hạn chế, nhất là trong công tác cán bộ; cần bổ sung đánh giá về công tác kiểm tra, giám sát: còn buông lỏng dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt đứng đầu bị Trung ương kỷ luật.
Về mục tiêu chủ yếu đến năm 2025, cần đưa vào dự thảo chỉ tiêu về quốc phòng - an ninh để đảm bảo tính toàn diện, bổ sung chỉ tiêu về văn hóa đến năm 2025; đề nghị xem xét chỉ tiêu phấn đấu 50% đơn vị kinh tế tư nhân (có đủ điều kiện cơ bản) đã có tổ chức đoàn thanh niên và công đoàn cơ sở, thành lập tổ chức đảng vì chỉ tiêu này quá cao so với thực tế.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, cần bổ sung các giải pháp để khôi phục kinh tế sau dịch Covid-19, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ và ngành công nghiệp chính của tỉnh; cần nêu rõ những giải pháp để thu hút vốn đầu tư sau khi bị chững lại, giảm sút vào cuối nhiệm kỳ; cần có định hướng và giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; việc xây dựng chính quyền điện tử cần có lộ trình cụ thể và giải pháp đầy đủ, khả thi hơn.
Về tiếp tục phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm, đối với vùng kinh tế trọng điểm TP. Nha Trang, thành phố đề nghị tỉnh cần phân cấp quản lý mạnh hơn cho Nha Trang; tính toán phân bổ chỉ tiêu biên chế phù hợp để tạo điều kiện cho địa phương hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, cần có cơ chế đặc thù, phù hợp, trong đó có cơ chế về phân cấp quản lý; cơ chế về phát triển kinh tế - xã hội; cơ chế về bộ máy hành chính… để thành phố có thể chủ động thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, chủ động trong công tác quản lý một địa bàn lớn - là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; cần đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa - nghệ thuật đa năng, trung tâm thể dục - thể thao phục vụ nhân dân, du khách và đăng cai các hoạt động cấp quốc gia, quốc tế tổ chức tại Nha Trang - Khánh Hòa.
Ngoài ra, cần quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường vịnh Nha Trang; gắn phát triển kinh tế với giữ gìn, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Đại biểu cũng có ý kiến đề nghị tỉnh cần khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch trên địa bàn; sớm chỉ đạo có giải pháp tháo gỡ khó khăn tại các dự án triển khai trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện để thành phố phát triển. Đồng thời, quan tâm đến vấn đề môi trường, cần có dự án xử lý rác thải theo công nghệ mới trên địa bàn.
N.D (Lược ghi)