Qua chặng đường dài xây dựng và phát triển, Trường Sa đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ. Với sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành, quân và dân huyện Trường Sa đang nỗ lực xây dựng địa phương trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Qua chặng đường dài xây dựng và phát triển, Trường Sa đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ. Với sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành, quân và dân huyện Trường Sa đang nỗ lực xây dựng địa phương trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Có Trường Sa, biển “xa hóa gần”
Đi biển ở Trường Sa dài ngày cỡ nào, ông Lưu Đình Dũng, chủ tàu cá QNg 90478 TS của tỉnh Quảng Ngãi cũng chẳng ngại, vì có gặp trục trặc về máy móc, thiết bị, lương thực hay sức khỏe, luôn có quân, dân cùng các lực lượng ở các đảo của huyện Trường Sa sẵn sàng hỗ trợ mọi lúc. Ông nói: “Đến các đảo của Trường Sa, các tàu cá của ngư dân đều được hỗ trợ. Đánh bắt ở khu vực biển Trường Sa, chúng tôi có hầu như đầy đủ các dịch vụ từ kiểm tra, sửa chữa máy móc, cung cấp dầu, lương thực, thực phẩm hay nước ngọt và cả mua bán hải sản ngay tại đây. Những chuyến biển cuối năm, những ngày sóng lớn, chúng tôi ghé vào các âu tàu ở các đảo của Trường Sa để neo đậu nên rất yên tâm; hay khi ốm đau, bệnh tật, chúng tôi đều được quân y ở các đảo hỗ trợ điều trị tích cực, nên dù đánh bắt xa đến mấy, có Trường Sa lại hóa gần, như ở nhà vậy”.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, khuyến khích ngư dân đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, với mong muốn mỗi chiếc tàu đánh bắt xa bờ như một “cột mốc” chủ quyền giữa biển khơi. Theo lãnh đạo UBND huyện Trường Sa, không chỉ chăm lo tốt cho quân và dân của huyện, Trường Sa còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân cả nước vươn khơi bám biển dài ngày.
Huyện đảo hiện có 8 bệnh xá quân y và 1 trung tâm y tế được trang bị máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại, có thể giải quyết những ca bệnh cho quân và dân của huyện cũng như bà con ngư dân gặp nạn trên biển. Trong đó, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa có nhiều trang thiết bị hiện đại, có hệ thống truyền hình trực tuyến kết nối với Bệnh viện Quân y 175, giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị. Mọi ca bệnh, trường hợp tai nạn lao động trên biển của ngư dân đều được hỗ trợ đưa vào đảo gần nhất để sơ, cấp cứu ngay...
Bên cạnh đó, Trường Sa hiện đã có trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp mọi dịch vụ để ngư dân vươn khơi, bám biển và là nơi tránh trú an toàn cho tàu thuyền và ngư dân khi có bão. Hiện các âu tàu ở Trường Sa có thể tiếp nhận sửa chữa tàu công suất 2.000 DWT, đủ sức cho các tàu có trọng tải từ 1.000 đến 2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão. Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây có đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho các tàu cá như: 6 bể chứa nước ngọt dung tích 900m3; kho hàng hóa và xưởng cơ khí phục vụ sửa chữa cho các tàu thuyền; xưởng sản xuất và cung ứng nước đá cây; hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt; kho lạnh có thể dự trữ và cung cấp trên 800 cây đá/ngày, kho đông có thể đáp ứng được 5 tấn hải sản/ngày; hệ thống máy phát điện, nhà nghỉ cho ngư dân. Nhiên liệu, lương thực, thực phẩm được bán với giá như ở trong đất liền nên tiết kiệm nhiều chi phí cho ngư dân. Nhờ sự hỗ trợ tích cực về mọi mặt từ Trường Sa, mỗi chuyến đi biển, các tàu đều yên tâm bám biển dài ngày, kinh tế biển ở huyện đảo cũng vì vậy mà ngày càng phát triển hơn.
Để Trường Sa thành trung tâm kinh tế biển
Về kinh tế, trên vùng biển quần đảo Trường Sa có nhiều loại hải sản giá trị kinh tế cao như hải sâm, cá ngừ đại dương, tôm hùm, rong biển, các loài ốc... Nếu được khai thác, chế biến tốt sẽ mang lại thu nhập lớn cho người dân, thu lợi cao cho Nhà nước. Trường Sa còn có thế mạnh về dịch vụ hàng hải, đánh bắt hải sản, đồng thời là địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Với tốc độ phát triển kinh tế cao của các nước trong khu vực, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông sẽ tăng gấp hai, ba lần hiện nay. Biển Đông và vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa sẽ tiếp tục giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong thương mại, là cầu nối để phát triển với quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực...
Ông Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết, với những điều kiện có sẵn đó, Trường Sa là chỗ dựa vững chắc để bà con ngư dân có thể bám biển dài ngày khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ, góp phần phát triển kinh tế biển.
Theo ông Hải, Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đã nêu rõ, Trường Sa sẽ thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Đây là cơ hội lớn, vừa là thách thức của địa phương, huyện sẽ tận dụng mọi nguồn lực hỗ trợ, có định hướng chính xác, cụ thể để thực hiện đạt được mục tiêu.
Bên cạnh tập trung vào thế mạnh sẵn có là hậu cần đánh bắt và nuôi trồng hải sản, hàng hải, huyện cũng xác định phải sớm đưa Trường Sa thành trung tâm của nhiều ngành nghề khác trên biển. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 09, hy vọng tỉnh và các ngành, các cấp sẽ có đầu tư nhiều hơn cho huyện đảo... Cùng với đó, huyện sẽ triển khai tốt các khâu quy hoạch; tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng cảnh quan, các công trình dân sinh, thiết chế văn hóa xã hội... đảm bảo đáp ứng phục vụ đời sống quân và dân trên đảo, ngư dân vươn khơi bám biển.
Năm mới 2023, khắp trên quần đảo Trường Sa đang bừng lên một khí thế mới, một năm tiền đề để Trường Sa cùng các địa phương khác trên toàn tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng để thực hiện có hiệu quả mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đề ra, giúp huyện đảo ngày càng phát triển vững mạnh, lâu dài.
Vĩnh Thành